HÌNH TƯỢNG NHÀ NHO TRONG TỪ THỨC TIÊN HÔN LỤC (NGUYỄN DỮ) VÀ BÍCH CÂU KỲ NGỘ (ĐOÀN THỊ ĐIỂM)
HÌNH TƯỢNG NHÀ NHO TRONG TỪ THỨC TIÊN HÔN LỤC (NGUYỄN DỮ) VÀ BÍCH CÂU KỲ NGỘ (ĐOÀN THỊ ĐIỂM)
TÓM TẮT
Văn học Việt Nam là một dòng chảy liên
tục, nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Những thành tựu văn học mà chúng
ta có được ngày nay là sự kế thừa thành quả lao động nghệ thuật của cha ông ta
hàng ngàn năm trước. Ngày nay, chúng ta có Hai thành tựu khá quan trọng trong
dòng văn học Hán Nôm là tập “thiên cổ kì bút” Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ
và truyện thơ Nôm Bích Câu kỳ ngộ được cho là của Vũ Quốc Trân sáng tác, được
dịch bởi Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Từ Thức và Tú Uyên - hai nhân vật trung
tâm của hai tác phẩm cũng đồng thời là hai hình tượng hết sức đặc sắc. Tìm hiểu
hai nhân vật này dưới góc độ hình tượng nhà nho, chúng ta có thêm những kiến
giải đặc sắc, lý thú trong việc tiếp nhận văn bản khi làm rõ được tâm lý, tính
cách và hành động của Từ Thức và Tú Uyên khi nhìn nhận họ với tư cách nhà
nho.
Từ khóa: Từ Thức, Tú Uyên, nhà nho
chính thống, nhà nho tài tử, cõi mộng và thực
- Đặt vấn đề
Đầu tiên, hình tượng nhân vật Từ Thức và hình tượng nhân vật Tú Uyên là
hai hình tượng quan trọng trong văn học nói chung và văn học Việt Nam giai đoạn
trung đại nói riêng. Tìm hiểu và nghiên cứu về hai hình tượng nhân vật này có
thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tư tưởng và văn hóa, thời đại lúc bấy giờ cũng
như tác động của hai hình tượng này đến văn học hiện đại. Bên cạnh đó, khi tìm
hiểu về hai hình tượng nhân vật Từ Thức và Tú Uyên với vị trí là nhà nho giúp
chúng ta hiểu rõ hơn về đặc điểm của hình tượng nhà nho thông qua hình tượng
nhân vật trong tác phẩm văn học. Chọn đề tài Hình tượng nhà nho từ Từ Thức
trong Chuyện Từ Thức tiên hôn lục (Nguyễn Dữ) đến Tú Uyên trong Bích câu kỳ ngộ
(Đoàn Thị Điểm) sẽ mở ra một hướng tiếp cận mới khi tìm hiểu về hai hình tượng
nhân vật văn học này.
Thứ hai, hình tượng nhà nho nói chung và hình tượng nhà nho từ Từ Thức
đến Tú Uyên không chỉ là một hình tượng văn học riêng lẻ mà còn liên quan đến
hiện tượng văn hóa, xã hội. Đơn cử như ở trường hợp tác phẩm Chuyện Từ Thức
tiên hôn lục không chỉ là truyện cổ tích hay tác phẩm của Nguyễn Dữ mà
thông qua sức hấp dẫn và ý nghĩa của tác phẩm, các nhà nghiên cứu đã tìm
hiểu tác phẩm này dưới nhiều góc độ khác nhau như huyền thoại, tâm lý
học, địa danh văn hóa,... Như vậy, hiểu biết về hình tượng nhà nho từ nhân
vật Từ Thức đến nhân vật Tú Uyên sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn đa
chiều.
Trong chương trình Ngữ Văn theo nghị quyết 2018, tác phẩm Bích câu kỳ ngộ
đã được trích ra một số phân đoạn đặc sắc để giảng dạy: đoạn trích Nỗi niềm
tương tư của bộ sách Cánh diều tri thức, và Tú Uyên gặp Giáng Kiều ở bộ sách
giáo khoa Chân trời sáng tạo. Điều này cho thấy việc tiếp cận tác phẩm Bích
Câu kỳ ngộ trong môi trường giáo dục là vô cùng quan trọng bên cạnh các tác
phẩm tiêu biểu khác như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn
Đình Chiểu,... Qua đó, đề tài nghiên cứu hi vọng rằng sẽ giúp các bạn học
sinh, sinh viên ở các cơ sở đào tạo có cơ tiếp cận tác phẩm Bích câu kỳ ngộ
qua kiểu truyện gặp tiên để có sự nhìn nhận cụ thể, mới mẻ hơn về một trong
một những truyện thơ tiêu biểu thuần Việt của văn học Việt Nam có nguy cơ bị
lãng quên.
Trong bài nghiên cứu này, đối tượng nghiên cứu chính là tác phẩm Bích câu
kỳ ngộ trong Truyền kỳ Tân Phả bản của Đoàn Thị Điểm dịch và truyện Chuyện Từ
Thức lấy vợ tiên (Từ Thức tiên hôn lục), bản của Nguyễn Dữ. Phạm vi nghiên cứu
của tiểu luận là hình tượng nhân vật Từ Thức trong truyện Chuyện Từ Thức lấy vợ
tiên và hình tượng nhân vật Tú Uyên trong Bích câu kỳ ngộ.
2.
Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số vấn đề về Từ Thức tiên hôn lục
2.1.1. Nguyễn Dữ và thời đại của ông
Đến nay, phần thân thế và tiểu sử của
Nguyễn Dữ vẫn còn nhiều điều cần làm rõ. Có rất nhiều giả thuyết của các học
giả, nhà phê bình về thân thế và sự nghiệp văn học của ông. Trong đó có giải
thuyết của các ông Hà Thiện Hán trong Bài tựa Truyền kỳ mạn lục, Vũ Phương Đề
trong Công dư tiệp kí, Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục đều cho rằng Nguyễn
Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã từng đỗ đạt trên quan lộ rồi ở ẩn. Đây
là thời đại có nhiều biến động: nhà nước phong kiến Việt Nam đang có sự suy
yếu, nhiễu nhương mà một trong những biểu hiện chính của nó là tình trạng rối
loạn về chính trị và các biến cố chỉ trong vòng ba mươi năm kể từ khi Lê Thánh
Tông - vị vua anh minh trị vì cho đến khi Mạc đăng dung cướp ngôi lập nên nhà
Mạc. Từ đó đã có đến sáu đời vua lần lượt bị giết và phế truất trải dài từ 1504
đến 1527.
Như vậy, Nguyễn Dữ đã sinh trưởng
trong thời đại đầy những rối ren, quan trường hỗn loạn, suy nát và dù đã ra sức
chấn chỉnh nhưng vẫn không cứu được tình trạng suy vi ấy như trong Đại Việt
sử kí toàn thư đã viết: “Sao mà những kẻ tại chức đều bị vị, không nghĩ
đến phép tắc của triều đình. Người vì nước quên nhà thì ít, người bỏ phận thiếu
chức thì nhiều, tha giàu bắt nghèo, không chừa thói cũ tham tiền khoét của vẫn
theo lối xưa. Thế rồi chính sự phiền hà, lòng dân oán hận, thổ mộc bừa bãi lại
thêm đại hạn, đói khổ, nhân dân thất nghiệp, trộm cắp nổi dậy. Vua quan hoang
dâm xa xỉ, bất lực và chết yểu, các quyền thần đánh lẫn nhau, giết lẫn nhau
dưới cửa khuyết, dấy máu chốn kinh sư” (Lê Văn Hưu, 2017, 324) Một thời
đại, một đế chế hỗn loạn, rối ren với những cuộc nội chiến khốc liệt đẩy xã hội
và cuộc sống nhân dân vào cảnh cùng cực khốn khó. Tình trạng ấy cũng gây nên sự
xuống cấp, suy thoái đời sống tinh thần trầm trọng trong hàng ngũ Nho sĩ. Tầng
lớp người học rộng, hiểu nhiều, trung chính liêm minh ngày ngày ít đi, những kẻ
mê muội, nhút nhát tư lợi lại càng nhiều. Đứng trước hiện thực ấy, không ít
những nho sĩ chọn cách khom lưng uốn gối đề cầu danh vọng. Nhưng cũng có nhiều
nho sĩ có khí tiết nhưng nhưng hoang mang, chán chường vì đổ vỡ niềm tin đã chọn
cách về quê sống ẩn dật, trong đó có Nguyễn Dữ.
Được sinh ra và trưởng thành trong bối
cảnh xã hội như vậy, Nguyễn Dữ không có lựa chọn nào khác hơn là phải chôn vùi
ước mơ “hành đạo”. Biểu hiện của sự phản ứng ấy chính là viết sách - sáng tác
văn chương và sử dụng các tác phẩm như một nơi để bày tỏ ước muốn, khao khát
một xã hội đức trị, con người làm những điều thiện cũng như người nho sĩ được
thỏa nguyện chí hành đạo của mình. Bằng việc tái hiện lại những điều mắt thấy
tai nghe pha thêm những phần hư cấu, các sáng tác của Nguyễn Dữ không chỉ bộc lộ
được thái độ và tình cảm của ông dành cho số phận con người, đồng thời thể hiện
phong cách nghệ thuật của tác gia.
2.1.2. Giá trị của tác phẩm Từ Thức
tiên hôn lục trong nền văn học
Từ Thức tiên hôn lục, tạm dịch là Từ Thức cưới vợ tiên là một tác phẩm trong tập Truyền kỳ
mạn lục của Nguyễn Dữ viết vào khoảng thời kì Lê Sơ. Tác phẩm này xoay
quanh một nhà nho vô tình lạc vào tiên giới, đến khi quay về cõi trần thì thế
giới chàng biết đã thay đổi nhiều. Mượn cốt truyện và chất liệu từ văn học dân
gian - truyện cổ tích Từ Thức lấy tiên với motif hôn nhân kì lạ cụ thể
là người lấy tiên, Nguyễn Dữ đã xây dựng nên câu chuyện tình yêu có phần kì ảo
và bi thương với kết thúc chuyện không có hậu với quan điểm tư tưởng ở cuối câu
chuyện “Có âm đức thì tức có dương báo”. Từ Thức tiên hôn lục, câu chuyện kể về
chàng Từ Thức, người ở Hòa Châu đã gặp và cứu giúp Giáng Hương.
Có thể nói ở Từ Thức tiên hôn lục,
Nguyễn Dữ đã vượt ra khỏi sự gò bó, khắt khe và đầy hạn chế của ý thức hệ đương
thời để văn chương của ông trở nên khoáng đạt, rộng rãi, nhất là đối với chuyện
tình yêu nam nữ. Ông tỏ ra rất táo bạo, phóng túng khi chấp bút về những mối
tình si mê, đắm đuối. Truyện của Nguyễn Dữ hấp dẫn người đọc cũng chính vì ông
đã biểu đạt sự táo bạo nhưng vô cùng sâu sắc bằng sự đam mê, lòng hân hoan và
cả nỗi đau thương của cuộc sống con người.
Thông qua Từ Thức tiên hôn lục, Nguyễn
Dữ đã phát biểu nhận thức, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về những vấn đề
lớn của đất nước và con người trong giai đoạn từ thế kỉ XV đến thế kỷ XVII. Ông
rất nghiêm túc trong việc phê phán những tệ nạn của chế độ phong kiến đang thối
rữa và miêu tả rất thực về diện mạo và tính cách của giai cấp thống trị. Đồng
thời, ít nhiều thể hiện được cảnh ngộ cùng cực, “màn trời chiếu đất" của
nhân dân. Nhà văn đã không ngần ngại vạch trần sự giả dối, suy đồi và biến chất
của nền Nho học lúc bấy giờ thông qua hình tượng nhân vật Từ Thức.
2.2. Một số vấn đề về truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ
Về vấn đề tác giả, Bích Câu kỳ ngộ
(Cuộc gặp gỡ kì lạ tại Bích Câu) nguyên là một tiểu thuyết bằng chữ Hán,
xuất hiện trong tập Truyền kỳ tân phả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm
(1705-1748). Cũng có người cho rằng tập truyện này là của Đặng Trần Côn (?
-1745), nhưng học giả Trần Văn Giáp dựa vào nhiều tài liệu lại khẳng định là
của Đoàn Thị Điểm. Như vậy, truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ tuy chỉ là bản
dịch ra chữ Nôm, song do thành công về nghệ thuật nên được phổ biến rộng rãi
hơn so với nguyên bản.Theo nhận định của Dương Quảng Hàm thì phần nhiều các
truyện Nôm cũ của Việt Nam thường mượn sự tích ở sử sách hoặc tiểu thuyết của
Trung Quốc, nhưng truyện Bích Câu thì không như vậy, nội dung của tác phẩm này
hoàn toàn là thuần Việt.
Về nội dung, Bích Câu kỳ ngộ là
câu chuyện tình mang màu sắc hoang đường khi tác giả xây dựng các kiểu truyện
người lấy tiên nhưng ẩn phía sau nó là những vấn đề xã hội. Tác phẩm bộc lộ
quan niệm nhân sinh muốn thoát ly thế giới thực tại của tầng lớp nho sĩ lúc bấy
giờ. Tư tưởng yếm thế này ít nhiều cũng đã thể hiện cái nhìn phê phán xã hội
của tác giả trong hoàn cảnh một đất nước loạn lạc, chiến tranh, đầy dẫy bất
trắc. Mặt khác, ở đây cũng là một xu hướng giải tỏa tâm thức của những con
người lúc bấy giờ: muốn rời bỏ đạo Nho mà tìm đến Phật giáo và Đạo giáo...
Về hình thức, Bích Câu kỳ ngộ
là câu chuyện thuần túy Việt Nam, với những tên đất, tên người Việt Nam qua đó
bộc lộ âm hưởng dân tộc đậm nét. Hơn nữa, tác phẩm còn đạt tới một bút pháp
nghệ thuật tinh vi: kết hợp tả cảnh với tả tình (có những chỗ còn táo bạo trình
bày cả quan hệ tính giao) và khắc họa thành công tâm trạng nhân vật.
2.3. Đặc điểm các loại hình nhà nho
2.3.1. Đặc điểm hình tượng nhà nho truyền thống
Trong truyền thống, nhà nho chính
thống là hình ảnh những người học và làm việc, thực thi theo nguyên tắc đạo lý
Nho gia. Trong Thời Trung đại, giai đoạn văn học thế kỉ XVIII - nửa trước
thế kỉ XIX, giáo sư Trần Đình Hượu đã phân loại nhà nho chính thống ra làm
hai loại: nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật. Nhìn từ tính hệ thống của cả tầng
lớp sĩ, Trần Đình Hượu cho rằng “họ luôn luôn phải suy nghĩ về cách sống,
nghĩ về những vấn đề trách nhiệm, hạnh phúc, lạc thú, về ý nghĩa cuộc sống. Vấn
đề làm day dứt các thế hệ nhà nho là lựa chọn“ xuất, xử” ra làm quan hay rút
lui ẩn dật. (...) Cuộc đấu tranh tư tưởng lặp đi lặp lại như thế tạo ra hai
hình tượng văn học, hai mẫu nhà nho: người hành đạo và người ẩn dật. Người hành
đạo chỉ tìm lẽ sống của mình trong học thuyết Nho giáo. Nhưng người ẩn dật phải
cầu viện đến học thuyết Lão Trang hay Phật, tìm ý nghĩa cuộc đời ngoài cái Nho
giáo chỉ cho họ.Về sau, khi đô thị đã phát triển mạnh, những nhà nho nghệ sĩ
quen sống cuộc sống đô thị, tìm hạnh phúc và lạc thú theo một hướng khác(...)
là những “nhà nho tài tử” (Trần Ngọc Vương, 1999, 71) trong đó nhà nho hành
đạo là những người sẵn sàng thực hành những nguyên tắc đạo lý của Nho gia, sẵn
sàng dấn thân nhập cuộc, suốt đời nguyện thực hiện lý tưởng “Thượng trí
quân, hạ trạch dân” (trên thì giúp vua, dưới thì chăm dân). Hoài Thanh gọi họ
là “ những nhà nho phóng khoáng”(Nnk, 1949, 536), N. I. Niculin thì cho rằng họ
“đã thể hiện rõ lối sống tự do và tài tử” (N. I. Niculin, 1971, 489),
Xuân Diệu thì gọi họ là “nhóm tài tử”.
Đặc điểm của hình tượng nhà nho phi
chính thống, hay nhà nho tài tử là tính khẳng định quyền con người hành động
theo ý muốn của mình trong những điều kiện của thời bấy giờ kết hợp với thái độ
nhẫn nhục đối với các giáo điều của đạo Khổng. Đặc điểm này được thể hiện ở
nhiều biểu hiện khác nhau. Đầu tiên, những nhà nho tài tử là người có sự đam mê
với cái “tài, tính, tình, du, mỹ”. Đầu tiên, đó là những cá nhân có ý thức về
cái tài của mình và dùng cái ngông nghênh thể hiện trong tác phẩm để cậy tài.
Thứ hai, đó là cá nhân ham thích “cầm kỳ thi tửu”, những loại hình nghệ thuật
và những giá trị vật chất - khác với nhà nho chính thống không màng danh lợi.
Thứ ba, đó là những nhà nho đa tình và có nhu cầu muốn thoát ly khỏi thực tại
khắc nghiệt. Như vậy, điểm phân biệt giữa nhà Nho tài tử với nhà Nho hành đạo
và nhà Nho ẩn dật là ở chỗ nhà Nho tài tử coi "tài" và
"tình", chứ không phải đạo đức, là cái làm nên giá trị con người. Họ
"thị tài" và "đa tình". Và ở đây, cái Kiêu của nhà Nho tài
tử, xét cho cùng, là sự tự tin đầy đủ và mạnh mẽ về những phẩm chất, những năng
lực cá nhân vốn có, thực có.
2.4. Hình tượng nhà nho qua nhân vật Từ Thức
2.4.1. Hình tượng nhà nho hành đạo giúp đỡ dân chúng, không màng
danh lợi
Có thể nói Nguyễn Dữ đã xây dựng một
hình tượng nhà nho có những chuẩn mực đạo đức riêng dựa trên những cảm quan và
trải nghiệm của ông trong hiện thực. Khi bước vào trang sách, Từ Thức không chỉ
ham mê học hỏi, sưu tầm tranh ảnh, sách vở mà còn là một hình tượng nhân vật
thanh liêm, hào hiệp và đôn hậu với những ý nghĩ và hành động tốt đẹp. Khi
chứng kiến người con gái mình không quen biết gặp nạn, Từ Thức cũng đã lên
tiếng và dùng áo gấm để giúp đỡ khiến nhiều người cảm phục bởi hành động nghĩa
hiệp của vị quan “trong đám đông có một cô gái độ chừng mười lăm, mười sáu
son phấn điểm nhẹ, nhan sắc tuyệt trần cũng đến xem hoa. Vì muốn xem cho rõ một
cành hoa mà cô gái lỡ tay làm gãy cành mà bị người coi hoa trong chùa bắt vạ.
Nhưng không may, cô lại không có tiền đền cho nhà chùa nên bị giữ lại đến ngày
đã sắp tối mà chưa ai đến chuộc. Từ Thức có mặt trong hội thấy vậy động lòng
thương, mới cởi áo gấm đưa vào tăng phòng để chuộc lỗi cho người con gái ấy.
Mọi người ở đó đều lấy lòng cảm phục Từ Thức là một vị quan hiền đức, nhân hậu.”
(Nguyễn Dữ, 1988, 15) Có thể thấy được Từ Thức là vị quan đã cố gắng làm tròn
bổn phận của mình, bổn phận ấy vừa đến từ trách nhiệm những cũng đến vì tình
nghĩa, lòng thương và cảm thông cho con người, đặc biệt là người phụ nữ - đối
tượng yếu thế thường gặp bất hạnh trong xã hội. Hành động giúp đỡ của Từ Thức
hoàn toàn giống với hình tượng của một nhà nho hành đạo giúp đời, đặc biệt là
dân chúng khó khăn mà không màng thiệt hơn.
2.4.2. Hình tượng nhà nho thích sống ẩn dật
Lối sống ẩn dật của Từ Thức đã có
những mầm mống ngay chính trong nét tích cách, suy nghĩ của Từ Thức “Từ Thức
vốn bản tính hay rượu, ngày thích khảy đàn, ngâm thơ vịnh cảnh, vui thú thiên
nhiên nên việc quan trường thường bỏ luống hay bị quan trên trách phạt. Cứ như
thế đến vài năm sau, Từ Thức chán nản quan trường, lại ngán ngẩm cái vòng danh
lợi trần gian quẫn quanh không dừng, chàng treo ấn từ quan mà trở về với non
xanh nước ngọc. Chàng chọn nơi Tống Sơn vốn nơi chàng ưu thích phong cảnh mà
dựng nhà ở lại.” (Nguyễn Dữ, 1988, 14) Tuy ham thích những thứ như rượu,
đàn, ngâm thơ như những bậc tài tử phong lưu nhưng đó chỉ là tấm lòng ái mộ cái
đẹp của cuộc sống. Từ sâu thẳm bên trong tâm hồn và hành động của mình, Từ Thức
vẫn mang những tính cách đặc trưng của một nhà nho chính thống như tấm lòng đôn
hậu, thương dân như con và sự trách nhiệm với bá tánh. Chính vòng tranh đấu
danh lợi luẩn quẩn, đầy tranh đấu mưu mô khiến Từ Thức dần mất niềm tin với chế
độ chính trị hiện tại và treo ấn từ quan để trở về với đời sống ẩn dật, phiêu
lãng đến những vùng đất non xanh nước ngọc.
Từ Thức là một người có tâm hồn thanh
cao, chán ghét danh lợi. Chàng là một người thông minh, tài giỏi, đỗ đạt cao
nhưng lại không màng danh lợi, chỉ thích sống một cuộc sống an nhàn, tự do.
Chàng không thích cuộc sống bon chen, xô bồ nơi trần thế, chỉ muốn tìm đến một
nơi thanh tịnh, yên bình để sống. Lối sống trên một mặt vừa cho thấy sự thanh
cao, liêm khiết của một người làm quan thức thời trong chốn quan trường khốc
liệt, một mặt chính là tiếng nói vừa ngao ngán, vừa phản đối những nhiễu nhương
mà Từ Thức nhìn nhận thấy ở con đường công danh. Những khó khăn và xấu xa của
đời sống quan trường khiến chàng cảm thấy gò bó, chật chội và bào mòn các giá
trị đạo đức tốt đẹp mà Từ Thức có. Hình ảnh Từ Thức từ bỏ ấn quan đi ngao du,
ẩn dật như một tiếng nói phản tỉnh chế độ quan trường lúc bấy giờ.
2.4.3. Hình tượng nhà nho sống hòa mình với thiên nhiên
Không chỉ là người sống đức độ, nhân
từ, lối sống của Từ Thức còn đáng yêu và nhân văn khi yêu thích và sống hòa
mình với cái đẹp thiên nhiên, trời đất. Từ khi còn cầm bút học hành, Từ Thức đã
bị ảnh hưởng và say mê với những câu chuyện huyền ảo và luôn nuôi trong mình
mong ước được thưởng thức, du ngoạn đến những nơi có thiên nhiên trữ tình, gặp
tri âm tri kỉ như trong câu chuyện mình yêu thích “Từ nhỏ Từ Thức đã được
nghe kể chuyện vua Đường Minh Hoàng lạc vào cảnh tiên vào một đêm rằm tháng
tám. Nơi tiên cảnh ấy nhà vua đã gặp những vị tiên nữ tuyệt sắc với làn da hồng
đào. Tiên nữ mặc những bộ váy áo tay rộng rất lộng lẫy, thướt tha bằng thứ màu
cầu vồng bảy sắc. Nơi tiên cảnh ấy tràn ngập tiếng cười của niềm hạnh phúc và
niềm vui dường như bất tận, tiên nữ say sưa ca hát và nhảy múa suốt ngày trong
tiếng nhạc trời du dương, réo rắt. Đến khi nhà vua rời khỏi chốn tiên, nhà vua
đã mang vũ khúc Nghê Thường về dạy cho các cung nữ. Rồi từ đó về sau vũ khúc
này được lưu truyền trong cung cấm, nhà vua vừa uống rượu vừa say sưa ngắm nhìn
cung nữ ca múa mỗi dịp trăng tròn. Về chàng Từ Thức, kể từ lúc được nghe câu
chuyện về vùng đất của các vị tiên nga, chàng chỉ ước mong một ngày tìm cho
được chốn đó.” (Nguyễn Dữ, 1988, 14) Tiên cảnh ấy là niềm mong ước, cũng là
mục tiêu của Từ Thức bởi theo cảm quan của chàng, đó là nơi không mang đau đớn,
tranh đấu mà gội rửa tâm hồn con người, mang đến cho tài nhân sự bình yên, hạnh
phúc vốn dĩ phải cố gắng tranh đấu từng ngày trong hiện thực.
Đối với Từ Thức, thiên nhiên
giống như một phần của con người, để con người thưởng thức và nảy sinh những
cảm xúc thẩm mỹ khi ngắm nhìn. Quả thực vậy, khi đứng trước khung cảnh thiên
nhiên rực rỡ, tráng lệ, Từ Thức đã có cảm hứng sáng tác nên các sản phẩm nghệ
thuật. Điển hình trong phân đoạn sau:
“Nữa tin nữa ngờ Từ Thức neo thuyền lại rồi bước lên bờ, quả nhiên là
một ngọn núi thật lại tựa như tiên cảnh bồng lai. Từ Thức tức cảnh đề một bài
thơ rằng:
Triêu dương bóng rải khắp ngày xanh,
Hoa cỏ cười tươi đón rước mình.
Hái thuốc nào đâu sư kẽ suối,
Tìm nguồn duy có khách bên ghềnh.
Lang thang đất lạ đàn ba khúc,
Nên nổi thuyền câu rượu một bình.
Bến Vũ chàng ngư, tìm thử hỏi,
Thôn Đào chỉ hộ lối loanh quanh.”
Từ Thức là một người có tâm hồn thanh cao, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp.
Chàng là một người thông minh, tài giỏi, đỗ đạt cao nhưng lại không màng danh
lợi, chỉ thích sống một cuộc sống an nhàn, tự do. Chàng thường lui tới những
nơi thiên nhiên tươi đẹp để ngắm cảnh, ngâm thơ, hưởng thụ cuộc sống. Từ khi
còn trẻ, Từ Thức đã luôn mơ ước được đặt chân đến những vùng đất, địa danh đẹp
để thỏa sức ngắm nhìn, tận hưởng. Hình ảnh này gần gũi với một con người có
niềm đam mê du ngoạn, khám phá phiêu lưu đến những vùng đất mới trong thời kì
đương đại. Hình tượng con người sống hòa mình với thiên nhiên còn cho thấy được
Từ Thức có tâm hồn lãng mạn, bay bổng. Khi được sống ở cõi tiên, chàng đã cùng
tiên nữ du ngoạn khắp chốn, thưởng thức những cảnh đẹp của thiên nhiên. Chàng
cũng đã cùng tiên nữ ca hát, ngâm thơ, tận hưởng những giây phút hạnh phúc của
tình yêu.
Như vậy, có thể thấy rằng từ xưa cho
đến nay, những vùng đất đẹp, kinh kì luôn khiến con người hình thành những rung
động và ý thức muốn hướng thiện, sống tốt đẹp và thoải mái. Tóm lại, hình tượng
nhà nho sống hòa mình với thiên nhiên trong truyện Từ Thức tiên hôn lục là một
hình tượng đẹp, mang đậm những nét đặc trưng của văn hóa dân gian Việt Nam.
Hình tượng này thể hiện khát vọng về một cuộc sống thanh bình, an nhàn, hòa hợp
với thiên nhiên của con người.
2.5. Hình tượng nhà nho qua nhân vật Tú Uyên
2.5.1. Hình tượng nhà nho “cầm kỳ thi tửu”
Trong Bích Câu kỳ ngộ, Đoàn Thị
Điểm đã thiết lập nhân vật Tú Uyên là một nhà nho nghèo, sống ở Thăng Long.
Chàng có tài năng văn học, âm nhạc và thư pháp hơn người. Không chỉ đam mê học
hành, có chí hướng nối nghiệp cha ông như những nhà nho chính thống đương thời,
Tú Uyên còn yêu thích thường thức nghệ thuật, ca tụng và sáng tạo cái đẹp:
thường chơi đàn, ngâm thơ, làm văn, uống rượu cùng bạn bè “Tính chàng hào
hiệp, ngày dắt bạn đi chơi tìm những nơi cổ tích ưu nhã đề hoa vịnh nguyệt, khi
ngồi trong vườn, khi ra đình sở, khi chơi chùa, khi dạo quán. Gặp cảnh nên thơ
là chàng đề vịnh, bài ngắn bài dài không thể biên chép hết được.” (Đoàn Thị
Điểm, 1962, 14 ) Đối với Tú Uyên, cảnh đẹp nên thơ, sáng tác văn chương và giải
khuây với bạn bè là những sở thích thường nhật của chàng thư sinh. Hình ảnh Tú
Uyên ngồi chơi đàn dưới trăng, uống rượu cùng bạn bè là một hình ảnh rất tiêu
biểu cho hình tượng nhà nho “cầm kỳ thi tửu”. Tuy nhiên, hình ảnh nhà nho “cầm
kỳ thi tửu” được phác họa qua nhân vật Tú Uyên không mang đến cảm giác
một nhà nho lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo), chỉ thiên trọng
về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc) mà trong tác phẩm nói rất rõ, Tú
Uyên “Vốn con nhà phúc hậu, trọng thi lễ” và “nhà nghèo, Tú Uyên phải
nhờ người chu cấp nhưng tính chăm học, tay không rời quyển sách lúc nào cũng
nghĩ làm sao nối được chí của cha.” (Đoàn Thị Điểm, 1962, 14) ngay cả cách
ăn mặc bên ngoài của nhân vật này cũng “chàng Tú Uyên cũng ăn mặc lối nhà
nho theo bạn trẻ đi chơi” (Đoàn Thị Điểm, 1962, 14) tâm tư của Tú Uyên là
tâm tư của một nhà nho có ý chí, tinh thần và bản thân chàng cũng mang trong
mình dòng máu tài hoa với ý thức cá nhân cao độ, thể hiện qua việc đi đến đâu,
Tú Uyên cũng vịnh thơ, đặt lại tên tuổi của mình tại nơi đó. Tú Uyên còn là
hiện thân của một quan niệm khác trước về hạnh phúc, ở chàng kết hợp hài hòa
những phẩm chất truyền thống với những nét đẹp tinh thần của thời đại, được
biểu hiện ở phong thái như những nhà nho tài tử chốn thị thành.
Thông qua nhân vật Tú Uyên, Đoàn Thị
Điểm đã khắc họa một cách chân thực và sinh động hình tượng nhà nho “cầm kỳ thi
tửu” trong xã hội phong kiến. Hình tượng này vừa mang vẻ đẹp của tài năng, tâm
hồn lãng mạn, đồng thời vừa mang nỗi đau của sự bế tắc, bi quan.
2.5.2. Hình tượng nhà nho đa tình
Trước khi gặp Giáng Kiều, Tú Uyên là
một người có cuộc sống dường như khá cô đơn, hiu quạnh vì mất cha mẹ, nhà
nghèo. Chàng thường dành thời gian cho những thú vui tao nhã, tìm kiếm sự thanh
thản trong tâm hồn. Tác giả đã xây dựng nên Tú Uyên là một nhà nho đa tình khi
chủ động với tình yêu và hôn nhân, gắn bó với mối lương duyên. Thậm chí vì
tương tư, Tú Uyên còn trở nên buồn chán, bỏ bê sách vở ngày ngày ngóng chờ
Giáng Kiều. Điều đó cho thấy được một cái tôi đa tình bên trong Tú Uyên. Tú
Uyên không chỉ yêu thiên nhiên, thích tìm kiếm những thú vui tinh thần mà còn
có niềm vui thú với tình yêu đôi lứa. Tú Uyên là một người đa tình, nhạy cảm,
dễ rung động trước vẻ đẹp của người khác phái. Khi gặp Giáng Kiều, Tú Uyên đã
bị nàng tiên xinh đẹp kia mê hoặc ngay từ cái nhìn đầu tiên “Chàng ngoái
nhìn thấy cốt cách như ngọc, da dẻ trắng ngần, vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng
thành. Từ đó thấy trong lòng xao xuyến, chàng luôn nghĩ đến người đẹp.” (Đoàn
Thị Điểm, 1962, 14) Chàng không thể cưỡng lại tình cảm của mình, và đã nảy sinh
mối tình với nàng. Tình cảm này nảy sinh mãnh liệt trong con người nhà nho đa
tình đến mức “luôn luôn tưởng nhớ, bỏ cả ngủ, bỏ cả ăn, tinh thần bải hoải,
chân tay mệt mỏi nên cất nhắc khó khăn, hơn một tháng không đến nhà học” (Đoàn
Thị Điểm, 1962, 16) Tình cảm đôi lứa khiến cho Tú Uyên chểnh mảng cả điều mà
những nhà nho lúc bấy giờ luôn khắc cốt ghi tâm chính là học hành.
Sau khi gặp Giáng Kiều, Tú Uyên đã có
một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Chàng yêu Giáng Kiều say đắm. Đó là một mối
tình lãng mạn, thơ mộng. Họ dành cho nhau những lời lẽ yêu thương, những cử chỉ
ngọt ngào. Thậm chí, tình yêu của Tú Uyên và Giáng Kiều còn nhuốm màu sắc của
nhục cảm ân ái.
Hình tượng nhà nho đa tình trong Bích Câu kỳ ngộ là
một hình tượng khá quen thuộc trong văn học Việt Nam. Hình tượng này phản ánh
tâm lý những người trí thức trong xã hội phong kiến, những người luôn khao khát
được yêu thương, hạnh phúc. Tuy nhiên, họ cũng phải chịu nhiều ràng buộc của lễ
giáo, khiến cho tình yêu của họ gặp phải những trắc trở. Hình tượng Tú Uyên
cũng thể hiện sự phản kháng của nho sĩ đối với lễ giáo. Tác giả không chấp nhận
việc con người phải sống trong những ràng buộc của lễ giáo, mà phải được tự do
yêu thương, sống với tình cảm của mình.
2.5.3. Hình tượng nhà nho muốn thoát ly khỏi thực tại
Có thể thấy, Tú Uyên lại là một người
có tâm hồn lãng mạn, đa sầu đa cảm. Anh chán ghét sự bon chen, xô bồ của chốn
quan trường và muốn tìm một nơi thanh bình để sống cuộc đời ẩn dật. Bản thân
chàng ngay từ đầu không tin vào chốn thần tiên, cảnh đẹp huyền ảo. Chính vì
vậy, khi đi vào con đường bế tắc, Tú Uyên luôn cố gắng thoát ly khỏi thực tại
bằng chính sức mạnh tự thân của mình. Tú Uyên chán ghét thực tại vì nhiều
lý do. Thứ nhất, chàng chán ghét sự bon chen, xô bồ của chốn quan trường. Chàng
không muốn tham gia vào vòng xoáy danh lợi, địa vị. Thứ hai, Tú Uyên chán ghét
sự bất công, áp bức của xã hội phong kiến. Chàng cảm thấy bất lực trước nỗi
thống khổ của nhân dân khi không được sống một cách tự do với tình yêu đôi lứa.
Thứ ba, chàng cũng phần nào chán ghét bản thân mình vì sự nghèo khó, bất tài,
không thể thực hiện được lí tưởng của mình. Chính vì vậy, Tú Uyên luôn khao
khát được thoát ly khỏi thực tại. Chàng muốn tìm một nơi thanh bình, yên ả để
sống cuộc đời ẩn dật. Đằng sau câu chuyện tình, Bích Câu
kỳ ngộ còn đặt ra một vấn đề xã hội. Đó là quan điểm nhân sinh lãng mạn và
thoát ly được thể hiện qua con đường biến đổi của Tú Uyên. Là một thư sinh dùi
mài Nho học, không phải không có lúc trong tư tưởng Tú Uyên không xảy ra những
băn khoăn day dứt về phận sự của một chàng trai muốn nhập thế giúp đời. Một
trong những thành công của Bích Câu kỳ ngộ Nôm là việc xây dựng hình tượng Tú
Uyên – một đại diện của tầng lớp Nho sĩ nghèo ở Thăng Long, chưa thành đạt trên
con đường công danh sự nghiệp.
Hành động của Tú Uyên là một biểu hiện của sự bi quan, bế tắc của tầng
lớp Nho sĩ trong xã hội phong kiến. Tuy nhiên, hành động đó cũng thể hiện tình
yêu chân thành của Tú Uyên dành cho Giáng Kiều.
2.6. Cõi mộng và thực trong trong Truyền kỳ mạn lục và Bích câu kỳ ngộ
Không gian nghệ thuật là hình thức tồn
tại của thế giới nghệ thuật. Trong Từ điển văn học, không gian nghệ thuật được
định nghĩa: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng
nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ
thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn
nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật” (Nnk, 2006, 160) Như vậy, không gian
nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, cung cấp cơ sở khách quan để
khám phá tính độc đáo cũng như tính loại hình của các hiện tượng nghệ thuật
cũng như giúp người đọc hiểu được tư tưởng được tác giả gửi gắm vào tác
phẩm.
Để góp phần khắc họa tư tưởng và ý
nghĩa của hình tượng nhân vật trong tác phẩm ở dòng văn học trung đại, các tác
giả có thể sử dụng những kiểu không gian sau đây: Không gian thực, không gian
phi thực, không gian thần bí và không gian mộng ảo.
Ở hai tác phẩm Từ Thức tiên hôn lục của Nguyễn Dữ và Bích Câu
Kỳ Ngộ của Đoàn Thị Điểm đã sử dụng hai kiểu không gian tiêu biểu và đan
xen với nhau chính là cõi mộng và thực.
Trong Từ Thức tiên hôn lục,
không gian thực được mô tả dựa vào chính xã hội đời thực trong hoàn cảnh bấy
giờ: “Vào những năm Quang Thái đời vua Trần Thuận Tông có một viên quan trẻ
tuổi tên Từ Thức. ..bổ sung tiếp” (Nguyễn Dữ, 1988, 14) Cõi thực nơi Từ
Thức ở là xã hội có năm, địa điểm và chế độ triều chính, khoa cử rõ ràng. Là
thời đại mà những nhà nho cần xông pha vào con đường quan trường lập danh, Từ
Thức cũng nuôi trong mình giấc mộng “Từ Thức là người học thức uyên bác lại
có phụ thân làm đến đại thần nên được bổ nhiệm làm quan Tri huyện Tiên Du.”
(Nguyễn Dữ, 1988, 14) Nhưng cũng chính cõi thực ấy cũng là nguyên nhân khiến
chàng nho sĩ cảm thấy chán nản, tù túng muốn rời xa chốn danh lợi để trở thành
nhà nho ẩn dật với mong muốn được tìm thấy chốn tiên cảnh. Như vậy, cõi thực
trong tác phẩm là không gian kéo dài từ kinh thành cho đến các vùng đất địa
phương, đặc biệt là không gian ở huyện Tiên Du - nơi gắn bó với Từ Thức một
khoảng thời gian. Bên cạnh đó, không gian đền chùa, miếu mạo, sông núi cũng được
chú trọng miêu tả. Đây là không gian di tích, là nơi phát tích những truyền
thuyết dân gian. “Cạnh huyện Tiên Du có một ngôi chùa rất nổi tiếng.
Trong sân chùa trồng một cây mẫu đơn rất quý, hễ đến kỳ hoa nở là mọi người nô
nức cùng nhau đến thưởng hoa rất đông. Trở thành một đám hội thưởng hoa tưng
bừng, nhộn nhịp.” (Nguyễn Dữ, 1988, 14) Có thể thấy trong Từ Thức tiên hôn
lục, không gian được miêu tả chi tiết và không gian thực cũng góp phần làm nền
cho câu chuyện của Nguyễn Dữ. Về không gian núi sông, trong truyện cũng được
miêu tả chi tiết, đẹp đẽ “Từ Thức ngao du khắp các cánh rừng, cây cối xanh
tươi, cành lá đan vào nhau rợp bóng mát, chim trên cành hót véo von. Chàng vừa
đi vừa ngâm thơ vịnh cảnh đẹp thiên nhiên. Không cảnh nước tú non kỳ, rừng
xanh, cửa bể nào mà thiếu dấu chân của Từ Thức cả. Chàng đi qua núi Chích Trợ,
song Lãi, cửa Nga, động Lục Vân và khắp vùng Hóa Châu tươi đẹp.” (Nguyễn
Dữ, 1988, 15) Không gian đẹp này cũng được miêu tả thông qua điểm nhìn mang
tính khám phá của chàng trai Từ Thức và từng bước chân phiêu lưu khám phá của
nhân vật này. không chỉ xây dựng không gian thực, truyện Từ Thức tiên hôn lục
còn xây dựng nhiều không gian ảo - trong tác phẩm chính là cõi mộng của Từ
Thức. Cõi mộng của Từ Thức là một nơi có khung cảnh đẹp đẽ dị thường, huyền ảo
với “cửa sông Thần Phù, nhìn ra xa xa thấy từng đám mây ngũ sắc quẫn quanh kết
lại thành hình như một đóa sen” hay “Khi Từ Thức đến nơi thì thấy rõ một
ngọn núi như lơ lửng trên mặt biển, khói sương mờ ảo, hoa cỏ mơn mởn xanh tươi.”
(Nguyễn Dữ, 1988, 15) Không chỉ đẹp, cõi mộng mà Từ Thức bước vào còn bí ẩn,
mang đến cảm giác lo lắng, mịt mờ không định hướng được “Đường trong hang
quanh co uốn khúc, có lúc nhỏ đến độ Từ Thức phải khom người bò qua mới lọt.
Càng đi đường lại càng rộng ra, đến một lúc lâu sau Từ Thức thấy một vầng sáng
rọi ở phía trên đầu. Chàng men theo gờ đá mà leo lên.” (Nguyễn Dữ, 1988,
15) cảnh tượng huyền bí này càng khó thấy càng trở nên cuốn hút, dẫn dắt bản
năng Từ Thức bước vào khám phá. Phàm càng là điều gì bí ẩn, con người ta càng
cố gắng tìm tòi, phiêu lưu.
Trong Bích Câu kỳ ngộ, không
gian thực và ảo cũng được đan xen với nhau một cách nhuần nguyễn, hấp dẫn. Cũng
giống như không gian truyền kỳ trong Từ Thức tiên hôn lục, cõi thực trong cuộc
gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu cũng trải dài theo không gian kinh thành đến các địa
danh, di tích “Phường Bích Câu ở phía Tây Nam thành Thăng Long, phường này
thuộc huyện Quảng Đức Phụng Thiên. trong đô thành có cái gò kim quy, gò này ở
bên hữu Quốc Tử Giám, cạnh đấy có cái ao hình cánh phượng, thường gọi là Phượng
Trì, nay gọi là hồ Tú Uyên.” (Đoàn Thị Điểm, 1962, 14) Truyện còn miêu tả
các không gian đền chùa, miếu mạo như với thời gian địa điểm rõ ràng “Năm
Giáp Thìn năm 1884 có vị sư ni họ Ngô ở chùa Ngọc Hồ mở hội Vô Già. Bấy giờ
thiên hạ thái bình, khi gặp cảnh xuân từ thành thị đến thôn quê người thiện tín
khách thanh tao từ bốn phương đến xem hội” (Đoàn Thị Điểm, 1962, 15) Nếu
như trong Từ Thức tiên hôn lục, việc Từ Thức tìm ra cõi mộng là nhờ sự tìm tòi,
khám phá thì trong Bích Câu kỳ ngộ, Tú Uyên thấy được những cảnh tượng kì lạ là
do sự tình cờ và duyên trời sắp đặt “Đương lúc tưởng nguyện, chợt thấy hương
thơm thoang thoảng , chàng ngẩng đầu trông lên thì thấy một đoàn năm sáu người
mặc áo đỏ từ trong chùa đi ra nhởn nhơ ở dưới cây đu vừa trẻ vừa xinh đều là
sắc nước hương trời.” (Đoàn Thị Điểm, 1962, 15) Điều này cho thấy rằng cõi
mộng của Tú Uyên được xây dựng dựa trên thế giới quan Phật giáo và Đạo giáo với
những giáo lí như luân hồi nhân quả, duyên khởi và vô thường được giản dị hóa
qua câu chuyện của Tú Uyên gặp nàng tiên Giáng Kiều.
Việc xây dựng cõi mộng trong Từ
Thức tiên hôn lục và Bích câu kỳ ngộ cho thấy nhận thức của con
người về một thế giới khác trần thế và trí tưởng tượng phong phú của con người
chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian và tư tưởng Nho - Phật - Đạo. Yếu
tố này vừa tăng sự hấp dẫn, sinh động cho câu chuyện, đồng thời thể hiện tư duy
của con người về thế giới tâm linh bởi lẽ ở cõi mộng ảo, thời gian - không gian
là vô hạn, vượt ra khỏi giới hạn của con người. Ngoài ra, cõi mộng còn thể hiện
được khát vọng được tự do làm điều mình muốn mà không phải ràng buộc, khổ đau
như khi ở cõi thực.
3.
Kết luận
Hình tượng nhà nho trong Từ Thức tiên
hôn lục của Nguyễn Dữ và trong Bích Câu kỳ ngộ của Đoàn Thị Điểm tuy sáng tác ở
hai giai đoạn khác nhau nhưng có nhiều nét khá tương đồng với nhau. Đều cùng
thiết lập hình tượng nhà nho với tâm tư ý nguyện muốn hành đạo giúp đời nhưng
cuối cùng cuộc sống bấp bênh, xô đẩy khiến cả Từ Thức và Tú Uyên đều chịu những
đả kích, chán ghét cái cảnh quan trường tranh đấu và dần nảy sinh ý muốn thoát
ly thực tại. Ngoài ra, có thể thấy được hình tượng nhân vật Tú Uyên cũng có sự
phát triển từ những hình tượng nhà nho trước như Từ Thức khi ở hình tượng nhân
vật này, ta càng thấy rõ ràng, mạnh mẽ ý thức của con người cá nhân tài hoa
trong đó.
Tóm lại, hình tượng nhà nho từ Từ Thức
cho đến Tú Uyên đều là những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, có nhiều phương
diện để độc giả khai thác, nghiên cứu. Đây vừa là hình tượng nghệ thuật, đồng
thời vừa là hình mẫu và ước mong của tác giả muốn gửi gắm về thời đại mình
thông qua hai nhân vật. Thông qua việc tìm hiểu và nghiên cứu đề tài này,
tôi có thể vận dụng năng lực tìm hiểu đề tài để từ đó có thêm cho mình kiến
thức và cách nhìn mới trong việc đọc hiểu tác phẩm. Từ đó có thể liên hệ
mở rộng điểm tương đồng khi sử dụng motif người lấy tiên và xây dựng hình tượng
nhà nho trong thể loại truyền kỳ giữa hai tác phẩm trên. Từ việc tìm hiểu cho
đến quá trình hoàn thành đề tài, tôi có thêm cho mình những quan điểm mới cần
trao đổi thêm cũng như niềm yêu thích đối với những gì mình đã, đang và sẽ được
giáo dục.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
Điểm, Đ. T. (1962). Truyền kỳ Tân Phả. Hà Nội:
Giáo Dục.
Dữ, N. (1988). Truyền kỳ Mạn Lục. TPHCM: Văn Nghệ.
Hưu, L. V. (2017). Đại Việt sử kí toàn thư. Hà Nội:
NXB Văn Học.
Huyền, N. T. (2003). Truyện Từ Thức hay là lời thú nhận. Tạp
chí văn học và tuổi trẻ, 109.
Niculin, N. I. (1996). Văn học Việt Nam sơ thảo.
Matxova: NXB Khoa học Matxcova.
Nnk. (2001). Truyền kỳ Mạn lục giải âm. Hà Nội: Khoa
học xã hội.
Nnk. (2003). Nguyễn Du - Về tác gia và tác phẩm. Hà
Nội: NXB Giáo dục.
Nnk. (2006). Từ điển thuật ngữ văn học. Hà Nội: NXB
Giáo dục.
Sử, T. Đ. (2020). Nguyễn dữ và tiên thoại trung quốc (so
sánh văn học và văn hoá : nguyễn dữ và tiên thoại trung quốc qua truyện Từ Thức
lấy vợ tiên. http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn .
Thuyết, Đinh Gia. (1952). Bích Câu kỳ ngộ. Hà Nội:
NXB Tân Việt.
tiên, T. T. (2016). Truyện cổ tích Tổng hợp.
https://truyencotich.vn/truyen-dan-gian/tu-thuc-gap-tien.html .
Vũ Ngọc Khánh, N. Q. (1995). Kho tàng truyện truyền kỳ
Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn hóa – Thông tin.
Vương, T. N. (1995). Loại hình học tác giả Văn học Nhà
nho tài tử và Văn học Việt Nam. TPHCM: Giáo dục.
Vương, T. N. (1999). Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam.
Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
THE IMAGE OF CONFUCIAN SCHOLARS IN TU
THUC TIEN HON LUC BY NGUYEN DU AND BICH CAU KY NGO BY DOAN THI DIEM
ABSTRACT
Vietnamese literature is a continuous
flow, connecting the past, present, and future. The literary achievements we
have today are the inheritance of the artistic labor of our ancestors for
thousands of years. Presently, we have two significant achievements in the Han
Nom literary tradition: Nguyen Du's "Thien Co Ky But" and the poetic
tale in script, "Bich Cau Ky Ngo," believed to be written the female
scholar Doan Thi Diem. Thuc and Tu Uyen, the central characters of the two
works, are also remarkable figures. Examining these characters from the
perspective of the Confucian scholar image provides unique insights and
fascinating interpretations in understanding the text by elucidating the
psychology, personality, and actions of Thuc and Tu Uyen as they relate to
their roles as Confucian scholars.
Keywords: Thuc, Tu Uyen, orthodox Confucian
scholars, talented Confucian scholars, realm of dreams and reality.
Nhận xét
Đăng nhận xét