Xuân Về - từng có một Nguyễn Bính chân chất, quê mùa như vậy!



 Phân tích bài thơ Xuân về - Nguyễn Bính 

Khi nhận xét về thơ Nguyễn Bính, có ai đó đã từng nhận định rằng: “Thơ Nguyễn Bính thể hiện thế giới nội tâm sâu kín của con người bằng chính tiếng nói của con tim nhà thơ đang bùng cháy, người đã thuyết phục bạn đọc bằng những tình cảm chân thực với duyên thơ chân thực đậm đà.” Như một cơn gió đầu mùa tươi trẻ, đầy sức sống của một con người mới, một thế hệ mới nhưng vẫn có sự dân dã truyền thống, Nguyễn Bính bước vào thi đàn Việt Nam với những bước đi độc đáo. Ông bước đi trong dòng chảy thơ ca Việt Nam với một cái tôi hoàn toàn nổi bật. Có chăng cái tôi ấy đã làm nên một hồn thơ đầy mới mẻ, rất Nguyễn Bính mà “Xuân về” là một minh chứng tiêu biểu nhất? Thi phẩm này đã nói với chúng ta cái cảm xúc vồ vập với cuộc đời của tuổi trẻ và xuân tình.

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nguyễn Bính có một tuổi thơ không mấy may mắn khi mồ côi mẹ từ nhỏ, gia đình túng thiếu, nghèo khổ. Tuy nhiên với tinh thần ham học hỏi, ông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm sống và khám phá nhiều điều mới mẻ. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Nam Bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc sau đó về quê hương Nam Định làm cán bộ đến năm 1966 thì mất. “Xuân về” được sáng tác năm 1937, bài thơ đã phác họa hình ảnh mùa xuân của làng quê đồng bằng Bắc Bộ trong đó có sức sống của vạn vật và hình ảnh con người.

Nguyễn Bính cảm và viết nhiều về mùa xuân. Với Mưa xuân, là hội chèo làng Đặng, là cô gái trong khung cửi phơi phới tình xuân, thế nhưng tình duyên cũng lỡ làng, để rồi mẹ già phán bảo “Mùa xuân đã cạn ngày”. Với Mùa xuân xanh, thì mọi chuyện cũng mới chỉ gợi mở “... Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Trong xế mùa xuân, chiều xế xuân... Sang với Nhạc xuân, xuân là của vạn vật và thi sĩ có reo lên đi chăng nữa thì cũng chỉ là: “Mùa xuân, mùa xuân, mùa rôi rồi/ Giờ đây chín vạn bông trời nở/ Riêng có tình ta khép lại thôi”. Ở Rượu xuân, chỉ còn là xuân của sự phiền muộn nhớ nhung “Uống đi! Em uống cho say/ Để trong mơ sống những ngày xuân qua”. Đến Xuân tha hương thì cảnh ngộ thật thê lương, Nguyễn Bính đã hơn một lần rên rỉ: “Chao ôi! Tết đến mà không được/ Trông thấy quê hương thật não nùng” và “Chị ơi! Tết đến em mua rượu/ Em uống cho say thật não nùng!”, để rồi sau đó “Không than chắc hẳn hồn tươi lại/ Không khóc tha hồ đôi mắt trong/ Chị ơi! Em cưới mùa xuân nhé...”. Có chăng riêng với Thơ xuân, bầu không khí tươi vui hơn, tình xuân lai láng hơn, nhưng rồi với thi sĩ, riêng mình với mình chỉ còn mỗi “... Một áng thơ đề nét chẳng phai”. 

Đến với “Xuân về” chúng ta thấy được toàn cảnh mùa xuân với hình ảnh đẹp: 

"Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong "

Bằng đôi mắt quan sát tinh tế, Nguyễn Bính đã nhận ra mùa xuân đã về với những đặc trưng riêng của làng quê như “gió đông”, và “màu má gái chưa chồng” - đó là hình ảnh đại diện cho sức sống tươi trẻ, mang đậm nét lãng mạn trữ tình. Cô láng giềng, cô hàng xóm của nhà thơ bâng khuâng nhìn trời với “đôi mắt trong" như đang ước hẹn, đợi chờ ai... Bức tranh xuân trẻ trung, tình tứ được chấm phá qua hai hình ảnh "màu má gái chưa chồng" và "đôi mắt trong" của cô hàng xóm đang "ngước mắt" nhìn trời xuân. Đối với Nguyễn Bính, mùa xuân là đại diện cho sự tươi trẻ, sức sống mơn mởn qua hình ảnh cô hàng xóm, cô thiếu nữ. Ta cũng thấy được tác giả đã lấy hình ảnh con người làm trung tâm để xây dựng bức tranh thiên nhiên. 

Hình ảnh tiếp theo của mùa xuân còn là sự sống động, nhộn nhịp của côn trẻ và con người lao động: 

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,

Mưa tạnh giời quang, nắng mới hoe.

Lá nõn, ngành non ai tráng bạc?

Gió về từng trận, gió bay đi...


Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.


Khung cảnh thật tươi sáng và trong lành. Trời không mưa. “Gió về từng trận gió hay đi", câu thơ mang lại cho người đọc không khí mát mẻ, nhẹ nhàng mà không là gió lốc, gió xoáy. “Lá nõn nhành non ai tráng bạc" là một câu thơ đẹp về hình ảnh, hay về nội dung. Đẹp về hình ảnh “lá nõn nhành non” và nghệ thuật so sánh “ai tráng bạc”; hay là ở chỗ nó làm phong phú thêm sắc màu tươi trẻ của ngày xuân, làm cái nền rất phù hợp với niềm vui của “đàn con trẻ”. Trong mùa xuân, chúng ta thấy được để làm nên hình ảnh mùa xuân đẹp là sức sống của con người lao động và thiên nhiên vô cùng sinh động. Tất cả những hình ảnh đẹp như “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng, Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.” mang lại không khí mùa xuân đầy tưng bừng, đâm chồi nảy lộc. Trong mùa xuân, những đứa trẻ cho tới những người trưởng thành đều nô nức đi chơi xuân vì đây là dịp được trút bỏ những gánh nặng giữa bộn bề cuộc sống. 

Cuối cùng, hình ảnh mùa xuân khép lại với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc - con người với niềm tin cầu nguyện cho cuộc sống được bình an qua hình ảnh người đi trẩy hội chùa:

Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam vô


Với hình ảnh “một đôi cô,Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.” và “Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,”, chúng ta thấy được người Việt ta dù ở lứa tuổi nào cũng có sự quan tâm đặc biệt đến việc chơi xuân và cầu nguyện bình an như trong thơ Nguyễn Du cũng từng nhắc đến nét văn hóa này “Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. qua hình ảnh ấy, ta có thể thấy được con người chúng ta có tình yêu sâu sắc dành cho mùa xuân, đó không chỉ là mùa sinh sôi nảy nở, vui chơi mà còn có cả khát khao, mong ước được bình an, suôn sẻ. 

Bằng những hình ảnh đẹp đặc sắc, phép so sánh và cách gieo vần sinh động, bài thơ đã phác họa hình ảnh mùa xuân ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ sinh động nhưng không kém phần lãng mạn. Qua đó thể hiện được tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ Nguyễn Bính. 

Xuân về mang một phong vị khác trong thơ ca của Nguyễn Bính. Cảnh Xuân thì vẫn là cảnh đầy sức sống với cảnh sắc tươi sáng, trong lành của làng quê Việt Nam nhưng những dòng thơ về cảnh sắc ấy lại là những dòng thơ mới đang trong thời khuấy động thành phong trào. Riêng về Xuân về mà xét thì đó là một bài thơ hay trong những bài thơ ghi lại những hình ảnh đặc trưng của quê Việt vào những năm đầu của thế kỉ XX.


Nhận xét