KHÁI QUÁT VỀ LÝ THUYẾT HỆ THỐNG VÀ TIẾP CẬN HỆ THỐNG TRONG DẠY HỌC TÁC PHẨM VĂN HỌC

 Tiếp cận hệ thống trong dạy học tác phẩm văn học



1.1.1    Khái niệm hệ thống

        Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa, hệ thống là “tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có liên hệ hoặc quan hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất” hay “tập hợp những tư tưởng, nguyên tắc, quy tắc liên kết với nhau một cách logic, làm thành một thể thống nhất” như hệ thống tư tưởng, hệ thống các quy tắc ngữ pháp. Hệ thống còn có thể được hiểu là “phương pháp, cách thức phân loại, sắp xếp sao cho có trật tự logic”. [Hoàng Phê. 2003. Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.] Khái niệm về hệ thống đã có từ rất lâu với câu nói của nhà Triết học Aristotle “một với một không phải bằng hai”. Ngày nay, chúng ta thường nghe những câu nói, cụm từ hết sức quen thuộc như: “bài viết này phải được nhìn nhận một cách hệ thống”.

        Lý thuyết hệ thống đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, trong số đó nổi bật nhất là hai cái tên L.V.  Bertalanffy và Kenneth E. Boulding. Lý thuyết hệ thống được thai nghén bởi L.V. Bertalanffy (1901-1972) sinh ra ở Áo. Theo ông quan niệm: “Mọi tổ chức hữu cơ đều là những hệ thống được tạo nên từ các tiểu hệ thống và ngược lại cũng là một phần của hệ thống lớn hơn” Trong công trình “Lý thuyết hệ thống tổng quát”, xuất bản năm 1956 của ông đã được nhân loại đánh giá là công trình làm tiền đề cho sự hình thành và phát triển của lý thuyết hệ thống sau này. Trong học thuyết của mình, V. Bertalanffy đã khẳng định “Chỉnh thể bao giờ cũng lớn hơn phép cộng cơ học của các yếu tố cấu thành”. Ông phân hệ thống thành hai loại: hệ thống tĩnh và hệ thống động. Trong đó hệ thống tĩnh là hệ thống không có sự thay đổi theo thời gian còn hệ thống động là hệ thống mà trạng thái của nó thay đổi theo thời gian.

        Tác giả thứ hai là người Mỹ Kenneth E. Boulding (1910-1993) đã nhìn nhận hệ thống từ khoa học quản lý, ông cho rằng: Hệ thống là một thực thể phổ biến ở trong tất cả thế giới vật chất của chúng ta, chúng ta sống trong hệ thống.

       Về đặc trưng của hệ thống, đầu tiên ta hiểu đặc trưng là thuộc tính căn bản, ổn định vốn có bên trong sự vật. Trong hệ thống sẽ có các phần tử liên kết và tương tác với nhau theo mối quan hệ nhân quả, nghĩa là mỗi sự thay đổi của một hay một số phần tử đều dẫn đến sự thay đổi của các phần tử còn lại và làm thay đổi vai trò và chức năng của phần tử đó. Một hệ thống bất kỳ sẽ có những tính chất cơ bản như tính trồi, tính nhất thể, tính cân bằng và tính phức tạp, tính hướng đích. Tính trồi là đặc trưng cơ bản và được xem là quan trọng nhất của một hệ thống. Khi sắp xếp những phần tử của hệ thống theo một phương thức nào đó sẽ hình thành nên tính trồi. Tính trồi chính là khả năng nổi trội và mới mẻ của hệ thống mà khi các phần tử ấy đứng riêng lẻ sẽ không thể tạo ra được mà chỉ khi nào nó nằm trong một hệ thống mới có tiềm năng diễn ra. Tính nhất thể là đặc trưng thể hiện qua hai khía cạnh: sự thống nhất của các yếu tố tạo nên hệ thống và mối quan hệ gắn bó giữa hệ thống với những yếu tố thuộc về môi trường, tức một hệ thống luôn tồn tại trong một môi trường nhất định và chịu sự tác động của môi trường ấy. Ngoài ra, hệ thống còn mang đặc tính của một sinh vật sống với các chu kỳ sinh ra, phát triển rồi suy thoái, chúng ta gọi đó là tính cân bằng của hệ thống. Như vậy, việc chuyển đổi trạng thái là rất thiết yếu với một hệ thống. Hệ thống còn mang trong mình tính phức tạp, bởi lẽ trong hệ thống luôn tồn tại những lợi ích, mục tiêu và các cách thức hoạt động riêng của các phần tử và cuối cùng, mọi hệ thống đều có xu hướng tìm đến mục tiêu hay một trạng thái cân bằng nào đó (tính hướng đích). [Đỗ Tiến Vượng. 2014. Lý thuyết hệ thống và ứng dụng trong hệ thống thông tin – thư viện các trường đại học kỹ thuật Việt Nam. Tạp chí Thư viện Việt Nam]

 

1.1.2    Cấu trúc hệ thống của tác phẩm văn học

          Cấu trúc hệ thống của tác phẩm văn học cũng không nằm ngoài các khái niệm đã nêu ở trên. Tuy nhiên, cấu trúc hệ thống của một văn bản văn học có một số điểm riêng biệt, được khu biệt bởi thể loại nghệ thuật ngôn từ. Các phần tử trong cấu trúc hệ thống sẽ bao gồm các phần tử tạo thành một chỉnh thể là tác giả – văn bản – độc giả.

          Trong Phương pháp tư hệ thống dạy học Văn do Nguyễn Ái Học biên soạn, cấu trúc hệ thống của một tác phẩm văn học được xếp thành hai loại:

        Hệ thống 1: hệ thống do chính văn bản tạo nên

        Hệ thống 2: hệ thống do sự tương tác giữa văn bản với độc giả (bao gồm các thành tố như văn hóa, ngôn ngữ, lý thuyết trong ngữ cảnh cụ thể) như sự tương tác giữa hình ảnh này với hình ảnh kia, hình tượng này với biểu tượng văn hóa kia, … cấu trúc này chính là cấu trúc nội tại của văn bản văn học. Mà trong đó, văn bản ngôn từ chính là yếu tố nền tảng của cấu trúc văn bản nghệ thuật và “Yếu tố này bao gồm mặt ngữ âm, ngữ nghĩa và đặc sắc thẩm mĩ của ngôn từ nghệ thuật (như vần, nhịp, điệu, sự trùng điệp, nói lái…) Tùy theo đặc trưng thể loại mà văn bản ngôn từ được tổ chức khác nhau và có những quy tắc riêng cho mỗi loại (thơ, văn, kịch).” [Trần Đình Sử. 2021. Lí luận văn học tập 2 Tác phẩm và thể loại văn học. NXB Đại học Sư Phạm.] Mỗi một văn bản đều mang yếu tố liên văn bản mà theo như lý thuyết liên văn bản của Bakhtin phát biểu: “Mọi văn bản đều được tổ chức như một bức khảm bằng những trích dẫn, mọi văn bản đều là sự hấp thụ và biến đổi một văn bản khác nào đó. Bởi thế, khái niệm tính liên văn bản đã thế chỗ cho khái niệm tính liên chủ thể, và hoá ra, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ bị đọc theo kiểu nước đôi ít nhất”. Ông cho rằng không ngôn ngữ nào không đi liền với một quan niệm, một ngữ cảnh và một hiện tượng nhất định cả.

          Như vậy, hệ thống của một văn bản văn học vừa mang tính cấu trúc, đồng thời vừa mang chức năng của nhận thức thẩm mĩ.

 

1.1.3    Ưu điểm của phương pháp hệ thống hóa tác phẩm văn học

          Mỗi một phương pháp nghiên cứu cũng như dạy học, tiếp nhận tác phẩm văn học đều có mặt ưu, khuyết và cẩn được bổ sung, hoàn thiện. Phương pháp hệ thống hóa tác phẩm văn học cũng như vậy. Trước hết, cái nhìn có hệ thống chính là cái nhìn mang tư duy khoa học. Rèn luyện tư duy hệ thống là điều thiết yếu cho mỗi cá nhân trong quá trình học tập, làm việc và nghiên cứu. Phương pháp hệ thống hóa tác phẩm văn học sẽ cho chúng ta cái nhìn khái quát những khía cạnh của một tác phẩm, từ đó có thể liên kết, liên hệ với những phương diện hay cách tiếp nhận ở góc độ khác nhằm bổ sung hay khắc phục những điểm chưa phù hợp mà các phương pháp trước đó đã từng nghiên cứu. Trong Suy nghĩ về việc phân tích văn học theo phương pháp hệ thống, nhà lí luận M.B.Khrapchenko đã phát biểu: “Việc phân tích theo hệ thống, một bộ phận nghiên cứu văn học ở bình diện lịch sử và của cộng tác phê bình, thiết tưởng sẽ nâng việc nghiên cứu văn học lên một trình độ mới

          Khi tiếp nhận tác phẩm văn học bằng phương pháp hệ thống hóa, tác phẩm văn học sẽ được cảm nhận và đánh giá gắn với cảm quan nghệ thuật cho nghệ sĩ thai nghen trong mỗi giao liên tương tác với cảm thụ, nhận thức của độc giả đối với ngôn ngữ, hình tượng, văn hóa trong những ngữ cảnh nhất định gắn với tính chất liên văn bản của nó, từ đó không ngừng sản sinh ra các giả trị tư tưởng và thẩm mĩ mới, tránh lối tiếp nhận khuôn mẫu, thu hẹp ý nghĩa tác phẩm vào trong một cấu trúc nội tại nào của văn bản ngôn từ.

Tóm lại, phương pháp hệ thống là phương pháp tư duy khoa học và phương pháp tổng thể, mở rộng giá trị tư tưởng. Nếu phương pháp hệ thống hóa được vận dụng và phát huy một cách sinh động, tích cực sẽ góp phần làm cho hệ thống được xây dựng trong văn bản ngôn từ được sáng rõ.

Nhận xét