Vật tổ của người dân tộc Thái

     Thái là một trong những cộng đồng tộc người được cấu thành từ nhiều dòng họ khác nhau. Ngay trong một mường, một bản cũng có nhiều dòng họ cùng cư trú. Trong xã hội Thái cổ truyền, người ta phân biệt giữa dòng họ quý tộc và dòng họ thứ dân. Dòng họ quý tộc gồm: họ Cầm, Bạc, Sa, Đèo, Sầm, Lò,… còn các dòng họ Vi, Lô, Quàng, Lường, Lương, Lộc, Ngân là các dòng họ thứ dân. Ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, có những dòng họ thứ dân đã trở thành dòng họ quý tộc, mang thêm chức vị được phong bên cạnh tên họ: Hủn Vi, Mứn Quàng,…

hình minh họa

     Mỗi dòng họ đều có một truyền thuyết về totem của mình. Khi vật totem gặp nạn, những người trong dòng họ phải hết lòng cứu giúp, mai táng, tuyệt đối không được làm hại đến những con vật được coi như tổ tiên của mình. Vì vậy, dấu hiệu riêng để phân biệt các dòng họ chính là tục thờ totem.

Theo các cụ già người Thái, các dòng họ Thái thờ totem là những con vật trùng tên với dòng họ của mình. Tuy nhiên, cũng có một số dòng họ thờ totem có tên gọi khác với tên dòng họ. Ví dụ như họ Cà kiêng giết và ăn thịt chim cốt ca; họ Cầm kiêng ăn con quạ; họ Lô thờ chim nộc tằng lo; họ Quàng kiêng giết và ăn thịt hổ; họ Hà và họ Lang không ăn thịt chim cuốc; họ Hà lại kiêng ăn thịt chim bìm bịp (*); họ Lương cũng thờ hổ, thậm chí là mèo; họ Lang thờ chim quốc, họ Ngân thờ rắn; có nơi kiêng dùng quạt (vi) để quạt xôi…
Người Thái dòng họ Vi thờ con niềng niễng. Ngoài ra, họ Vi cũng không được phép giết hại con niếu vì – totem của dòng họ. Nếu thành viên nào đó trong dòng họ nhìn thấy con vật đó bị thương thì phải đưa về chăm sóc đến khi lành hẳn thì thả vào rừng, còn bắt gặp xác chết của con vật đó thì phải chôn cất và làm lễ cúng cẩn thận.
Còn dòng họ Lò của người Thái có tục thờ totem là con chim táng lò, vì vậy, các thành viên của dòng họ này phải thực hiện điều cấm kỵ (tabu) là không được giết hay ăn thịt chim táng lò, và không ăn thứ măng lò…
Con niềng niễng
Đôi khi các dòng họ thờ totem không trùng tên, nhưng có một số dòng họ cùng thờ chung một totem như: họ Quàng, Lự, Lường, Lộc đều cùng có kiêng kỵ giống nhau là không giết và ăn thịt hổ; họ Lò, Vi kiêng giết, ăn thịt rắn, lươn; họ Lương kiêng ăn to – nấm mọc trên các gốc cây đã đẳn trên rừng, và không đụng đến các gốc cây đó.
    Như vậy, văn hóa thờ vật tổ là một trong những văn hóa ảnh hưởng nhiều trong lối sống, phong tục tạp quán và tín ngưỡng của các nhánh người dân tộc Thái nói riêng và dân tộc Việt nói chung. Vật tổ được xem như là sự bảo hộ cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống lao động, sinh hoạt an ổn hơn, đồng thời thúc đẩy tinh thần bảo vệ động vật trong khu vực họ đang sống.

Nhận xét