Thơ viết ở biển: em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
THƠ VIẾT Ở BIỂN: THƠ TÌNH CỦA NHÀ THƠ QUÂN ĐỘI HỮU THỈNH
Xưa nay có muôn vàn bài thơ viết về tình yêu và nỗi nhớ. Có biết bao cái tên nổi trội giữa thi đàn cùng với những tuyệt tác viết về tình yêu: nhà thơ chân quê Nguyễn Bính với “Tương tư”, “Người hàng xóm”; nữ sĩ Xuân Quỳnh với “Sóng”, “Thuyền và biển”; “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu cùng “Tương tư chiều”, “Yêu” hay ta bắt gặp Lưu Quang Vũ có những bài thơ như “Và anh tồn tại”, “Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng”.Ở giữa giàn đồng ca thơ tình muôn điệu ấy ta nhận ra một Hữu Thỉnh nồng nàn, đôn hậu qua bài “Thơ viết ở biển”. “Thơ viết ở biển” là một trong những bài thơ hay, đặc sắc nhất, tiêu biểu cho tập thơ “Thư mùa đông” (Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1995). Có rất nhiều hướng để tiếp cận một văn bản văn học mà ta có thể kể đến như tiếp nhận văn học từ góc độ tác giả, tiếp nhận văn học dưới góc độ đặc trưng văn học hoặc góc độ văn hóa, phân tích tác phẩm văn học theo phương pháp cấu trúc,.. song, ở mỗi hướng tiếp cận và nghiên cứu, phân tích ta đều thấy có cái hay riêng của nó. Tiếp nhận tác phẩm “Thơ viết ở biển” dưới góc độ đặc trưng văn học, chúng ta có được cho mình cách lý giải hay, sáng tạo và lý thú về ý tứ bài thơ. Từ đó góp phần kiến tạo nên tác phẩm, khiến cho nó trở nên gần gũi hơn với hiện thực đời sống.
“Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em...”
(Thư mùa đông, 1994)
Bao trùm toàn bộ bài thơ là cảm giác cô đơn, nỗi nhớ mỏi mòn và niềm khát khao cháy bỏng hạnh phúc đến trong tình yêu đôi lứa với chủ thể trữ tình ở đây là nhân vật “Anh” và “Em”, Hữu Thỉnh đã bắt đầu dòng cảm xúc bằng mệnh đề “Anh xa em”:
“Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn.”
Biểu tượng mặt trời và mặt trăng mang rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó biểu đạt cho sự cân bằng âm dương, mặt trời thuộc dương và mặt trăng thuộc âm. Biểu tượng này còn có ý nghĩa là ngày và đêm khi ánh trăng và mặt trời chiếu xuống trái đất. Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng “Mặt trăng” và “Mặt trời” trong bài thơ này cũng có ý biểu thị ý niệm về thời gian ngày và đêm, đồng thời hai thực thể ấy cũng tượng trưng cho nhân vật “Anh” và “Em”. Nếu như mặt trời là anh thì trăng sẽ là em. Mặt trời và trăng vốn tạo hóa sinh ra đã lẻ,mặt trời lặn thì trăng mới ló lên, đó là hiện tượng tự nhiên vô cùng bình thường nhưng khi đi vào thơ Hữu Thỉnh, nó lại trở nên bất thường vô cùng. “Đừng ví nhau là mặt trăng với mặt trời/Anh và em mãi cứ là hai nửa” (Không là mặt trăng, mặt trời) Thế nhưng, cho dù ở giữa là một khoảng cách rất lớn, thì ánh sáng của mặt trăng và mặt trời vẫn phản chiếu lên nhau. Đó không chỉ là mối tương quan giữa hai thực thể mặt trời và trăng trong vũ trụ tự nhiên mà còn khiến ta liên tưởng đến bản chất của tình yêu: anh và em xa cách nhau thì cũng lẻ loi như mặt trời và mặt trăng nhưng chính nỗi cô đơn đó càng làm trọn vẹn, thắm thiết hơn tình yêu. Hữu Thỉnh đã diễn tả sâu sắc nỗi cô đơn, lẻ loi nếu thiếu vắng đi nửa kia của đời mình.
Hai câu thơ tiếp theo bỗng chuyển mạch cảm xúc với cách ngắt nhịp 3/4, 3/5, con chữ bắt đầu dàn trải ra với giọng điệu vô cùng khắc khoải, nghẹn ngào như một lời tự bạch, lời giãi bày:
“Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn.”
Biển và cánh buồm là thi liệu khá quen thuộc trong thơ ca truyền thống: “Cánh buồm bao quản gió xiêu/Ngàn trùng biển rộng, chín chiều ruột đau”(Ca dao) hay “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” (Truyện Kiều) “Biển” và “Cánh buồm” ở hai câu thơ đã tạo thành không gian mênh mang của biển cả. Biển là mẹ thiên nhiên vĩnh hằng, kì vĩ; cánh buồm giữa biển thì lại nhỏ bé đơn độc, nó cũng biểu trưng cho sự mong manh của kiếp người. Tách riêng hai câu thơ ấy ra thì ta chỉ thấy đơn thuần miêu tả sự cô đơn của biển cả khi vắng đi cánh buồm, còn khi hợp nhất lại thành một chỉnh thể thì ta lại liên tưởng đến nhân vật trữ tình “Anh” và “Em”. “Biển” và “Cánh buồm” là hóa thân, là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho “Anh” và “Em”. “Cánh buồm” giờ đây đã hóa thành linh hồn của “Biển”, “Biển” tuy dài rộng, mênh mông vô cùng nhưng sẽ trơ trọi nếu không có “Cánh buồm” ra khơi cũng như “Anh” sẽ chẳng là gì cả nếu thiếu đi “Em”. Thông qua hình ảnh “Biển” và “Cánh buồm” vừa đối lập lại vừa sóng đôi cùng nhau, nhà thơ đã gợi nhắc đến sự thủy chung, khát khao được gắn bó trong tình yêu, không thể xa rời nhau dù chỉ một chút.
Đọc “Thơ viết ở biển”, ta cứ tưởng như đang nghe một bản nhạc du dương, từ tốn mà da diết. Giọng điệu thơ cũng day dứt, man mác nỗi buồn, nỗi nhớ sâu thẳm:
“Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”
Hai câu thơ trên song song tương đồng với nhau cả về ngữ âm và nghĩa. Gérard Manley Hopkins khi còn là sinh viên cũng đã khám phá ra nguyên lý: "Tất cả thủ pháp của thi ca dựa trên nguyên tắc song song" (Toute forme d'artifice se réduit au principe du parallélisme) Nhà thơ đã xây dựng nên cặp hình ảnh tương đồng giữa “Gió” và “anh”, giữa “đá núi” và “Em” cùng với tổ hợp từ rất lạ tạo nên những vần thơ bất hủ “Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”. Chúng ta dừng lại để suy tư, chiêm nghiệm về câu thơ ấy, để có thể cắt nghĩa cảm xúc của chủ thể trữ tình. Màu sắc là một phương diện của cái nhìn nghệ thuật trong văn chương, làm nên thế giới nghệ thuật của một nghệ sĩ. Những nghệ sĩ có phong cách thường có kiểu sử dụng màu sắc theo một cách riêng, làm nên nét dộc đáo của tác phẩm, của tác giả. Chữ “Tím” ở đây đã khiến cho câu thơ vừa mơ hồ, vừa đa nghĩa. Có lẽ “Nhuộm anh đến tím” ở đây là tím lòng, tím cả tâm hồn. Về phương diện hội họa, màu tím là sự pha trộn và hợp thành của màu xanh và màu đỏ. Tím là màu sắc thiên về các khía cạnh của nội tâm, tìm đến những ngõ ngách riêng tư của con người, diễn đạt những khung trời nhớ nhung, xa vắng, lẫn khuất đâu đó là những hoài niệm, hoài cảm về thời gian. Màu đã xuất hiện nơi nhiều bài thơ. Đoàn Phú Tứ có câu: “Màu thời gian không xanh / Màu thời gian tím ngát” (Màu thời gian); còn Anh Thơ, trong Chiều xuân thì viết “Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan, hoa tím rụng tơi bời.” Nhà thơ Tố Hữu, với bài thơ Hoa tím viết tặng Nguyễn Tuân lại có câu: “Thủy chung tình bạn chùm hoa tím.” Đối chiếu tương quan giữa các bài thơ ấy, ta thấy được “Tím” ở đây đã không còn đơn thuần là một màu sắc mà nó còn mang ý niệm ẩn dụ cho cảm xúc, cho tâm tư tình cảm của chủ thể trữ tình. “Em đâu phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”, câu thơ ấy khắc khoải bật lên nỗi nhớ nhung, nỗi buồn man mác đang thường trực trong tâm trí nhân vật “Anh”.
Sau hàng loạt những hình ảnh giàu mĩ cảm được đẩy đến tận cùng của cảm giác cô đơn và nổi buồn nhớ da diết, bài thơ khép lại bằng hai câu thơ với lối kết cấu câu nhân quả rất ấn tượng, thể hiện niềm khao khát cháy bỏng trong tình yêu và hạnh phúc. Nếu như Xuân Quỳnh mượn hình tượng con sóng để bày tỏ tình yêu mãnh liệt, nồng nàn dù có khó khăn cũng sẽ vượt qua để đến với nhau:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng nhỏ
Con nào cũng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.”
Thì Hữu Thỉnh cũng sử dụng hình tượng sóng để ẩn dụ cho một điều hiển nhiên trong tình yêu:
“Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em...”
“Sóng” giờ đây chẳng phải là thực thể vô tri vô giác mà nó đã chuyển hóa thành sóng lòng, là hình ảnh ẩn dụ cho tâm trạng người con trai khi yêu. Cuộc đời của một con sóng bắt đầu khi nó gợn lên và cũng kết thúc khi nó vỗ vào bờ, cứ tuần hoàn hữu hạn như vậy. Không có con sóng nào mà không vỗ vào bờ cả, đó là điều hiển nhiên. Đặt trong tương quan tình yêu cũng vậy, “Anh” sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có “em”. Người đọc có thể nhận thấy có hai thứ sóng. Một là sóng của biển và một là sóng trong lòng. Sóng biển chỉ làm anh nghiêng ngả thân mình còn sóng trong lòng làm anh chao đảo cả tâm trí.
Nhìn vào tổng thể toàn bài thơ, ta có thể thấy được “Thơ viết ở biển” là một chỉnh thể gần như hoàn hảo. Cấu trúc toàn bài thơ như hình thù một con sóng với ba thơ mở đầu chỉ vỏn vẹn ba chữ,cảm xúc như được nén lại; chuyển sang năm câu thơ ở giữa thì dung lượng chữ tăng lên, tiết tấu trầm và chậm lại để phù hợp với lời tự bạch của chủ thể trữ tình;ở ba dòng thơ cuối dung lượng lại thu hẹp dần, giọng thơ lại ngắt quãng, ngắt nhịp “Vì sóng đã làm anh/Nghiên ngả/Vì em…”
Về hình ảnh thơ, các hình ảnh cũng có mối liên hệ lẫn nhau: mặt trời, trăng, biển, cánh buồm, sóng, gió, núi đá.mặt trời và trăng; biển và cánh buồm;núi đá và gió đều là những thực thể sóng đôi với nhau ngoài tự nhiên, tượng trưng cho “Anh” và “Em” vậy. Tất cả đều trở nên đơn độc, lẻ loi, mất đi ý nghĩa khi anh xa em. Cả bài thơ là một không gian rộng rãi nhưng bao trùm bởi màu sắc trầm buồn, một sự cô đơn, trống vắng đến mênh mang.
Như vậy, khi cắt nghĩa và lý giải toàn bộ bài thơ dưới góc độ đặc trưng văn học, ta mơ hồ nhận ra cái nghĩa tình, ý niệm mà Hữu Thỉnh muốn gửi gắm: Tình yêu luôn đi liền với nỗi buồn, sự nhớ nhung da diết, cảm giác cô đơn, lẻ loi khi xa nhau và khi yêu ai cũng khát khao say đắm, hướng đến sự trọn vẹn, chung thủy sắc son. Chính những khoảnh khắc xa cách, nhớ nhung ấy mới càng làm trọn vẹn cung bậc cảm xúc của những người đang yêu, khiến cho con người ta trân trọng, hết lòng hơn vì tình yêu!
Hegel từng quan niệm về thơ như sau: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc.” Đọc “Thơ viết ở biển” của Hữu Thỉnh để tâm hồn mình có những giây phút lắng đọng, để chiêm nghiệm về triết lý tình yêu. Đó là một bài thơ hay, tinh tế nhưng cũng không kém phần chân thành, da diết đến từ hồn thơ vô cùng đôn hậu, nồng nàn tha thiết: Hữu Thỉnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét