Một đồng bạc, Vũ Trọng Phụng

 

Phân tích tác phẩm Một đồng bạc (Vũ Trọng Phụng)


Trong vũ trụ văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945, xuất hiện những thành tựu nổi bật với những cái tên đình đám như Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan và đặc biệt không thể không nhắc đến Vũ Trọng Phụng. Câu chuyện và hệ thống nhân vật của mỗi tác giả đều mang những bản sắc khác nhau, nếu như nhân vật trong tác phẩm của Ngô Tất Tố là những người nông dân cùng khổ vì sưu cao thuế nặng; trong truyện ngắn Nam Cao là những người tri thức nghèo bị cơm áo ghì sát đất hay những con người tưởng chừng như mất hết nhân tính nhưng vẫn còn đâu đó le lói cái thiện trong tâm thì Vũ Trọng Phụng lại chọn viết về cái xã hội “Chó đểu” với những kẻ đạo đức giả, lố lăng, kẻ đầu đường xó chợ lại được thời trọng dụng....Trong góc nhìn của ông, xã hội và con người ngày càng biến chất, “Một đồng bạc” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách và tư tưởng của Vũ Trọng Phụng. Khi phân tích tác phẩm “Một đồng bạc”dưới góc độ đặc trưng văn học, sẽ thấy có nhiều cách lý giải hay, lý thú. Từ đó góp phần kiến tạo nên tác phẩm, khiến cho nó trở nên gần gũi hơn với hiện thực đời sống.

Trong cuốn Nhập môn lý thuyết văn học, Jonathan Culler đã nêu ra ba đặc trưng văn học. Đó là tính lạ hóa, tính chỉnh thể và tính hư cấu.

Đầu tiên về tính lạ hóa, Vũ Trọng Phụng đã lựa chọn kết cấu trần thuật hồi tưởng thay vì kết cấu trần thuật thông thường để kể về một “lát cắt” trong cuộc đời nhân vật “tôi” trong quá khứ. Đầu tiên nhà văn viết một đoạn dẫn nhập “Thời xưa, khi loài người chưa đến nỗi phải sống chen chúc nhau trong những căn nhà rộng như hang chuột… thân thiết hơn cả họ hàng nữa.” rồi sau đó nhân vật “tôi” mới bắt đầu hồi tưởng lại một câu chuyện trong quá khứ, một câu chuyện khiến nhân vật vô cùng ân hận và dằn vặt, mong được tha thứ “Nói thế rồi, bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử" với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn.” Lạ hóa về cấu trúc đã làm cho tác phẩm như một cuốn phim xoay chậm. Tiếp đến Vũ Trọng Phụng kể câu chuyện từ góc nhìn của nhân vật “tôi” thay vì kể theo ngôi thứ ba, tức kẻ đã gây nên lỗi lầm, cách lạ hóa góc nhìn này làm cho câu chuyện sinh động, hấp dẫn hơn bởi đó là lời kể của chính người trong cuộc,khiến chúng ta hình dung mình đang ngồi nghe nhân vật “tôi” kể chuyện lại với cái giọng điệu vô cùng bi quan, đau khổ pha lẫn chút xấu hổ, nghe được những khía cạnh riêng tư từ chính miệng nhân vật mà những ngôi kể khác không thể nào bộc lộ được “tôi buồn nôn, thì tôi ghê tởm cả cho chính tôi, vì rằng, trừ một bọn nịnh sằng vẫn gọi tôi là danh sĩ, là văn hào, thì, trong thiên hạ, than ôi lại vẫn có một số người đứng đắn kia nỡ lòng khen tôi là "một người tử tế". Về ngôn ngữ, tác giả kết hợp vô số từ Hán Việt,thành ngữ, điển tích làm cho màu sắc, giọng điệu của “Một đồng bạc” trở nên vừa trang trọng nhưng cũng vừa đượm buồn, đồng thời thể hiện được sở trường cũng như cái tài của Vũ Trọng Phụng.

Ở tính chỉnh thể, các yếu tố trong tác phẩm đều liên quan với nhau. Có những yếu tố khoảnh khắc đối lập nhau như trong cách gia đình nhân vật tôi và gia đình Bích Ký đối xử với nhau, gia đình Ký Bích thì “Cặp vợ chồng ấy rất tương đắc với vợ chồng chúng tôi”.Tình cảm láng giềng giữa đôi bên đã được vun đắp lên bằng những “của ngon vật lạ, mời mọc, thết đãi nhau luôn luôn”, biếu nhau quà cáp, đối xử thân tình với nhau. Thì đối với gia đình nhân vật tôi, những lần mời chơi, những món ngon vật lạ ấy lại là gánh nặng, là áp lực khi luôn suy nghĩ trong đầu “của biếu là của lo, của cho là của nợ” nhưng ngoài mặt với đối đãi vui vẻ, giả dối với nhau “Thật vậy, những trò giả dối ấy, chúng tôi vui lòng tự mình lừa dối mình để coi nó là những hành vi chân thật. Không bao giờ chúng tôi lại chịu thú nhận rằng thế là đã làm khổ nhau, và chỉ có thể tử tế được bằng cách cứ làm khổ nhau mãi mãi mà thôi.” Ngay khi cuộc sống đôi bên êm đềm, nhà văn cũng đã vạch rõ cái suy nghĩ vừa sĩ diện, vừa giả tạo của con người. Hình ảnh cái áo của chị Bích từ “cái áo nhung đỏ” chuyển sang Cái áo the nâu… vừa rách vừa bạc” đã gợi về sự bạc bẽo, đổi thay của thời gian, đúng nghĩa đời người có lúc “Lên voi xuống chó”.

Về tính hư cấu của tác phẩm, theo N.D.Tamarchenco, V.I.Tiupa, S.N.Broitman. Lí luận văn học.Tldd, tr.20: “Trong văn bản nghệ thuật, không một lời nào được liên hệ trực tiếp với cá nhân nhà văn”. Tác phẩm nghệ thuật được Vũ Trọng Phụng viết ra dựa vào óc tưởng tượng, “Một đồng bạc” chính là sản phẩm của trí tưởng tượng, gắn liền với thế giới hình tượng trong tác phẩm. Có thể ngoài đời thật cũng có những trường hợp như trong tác phẩm, nhưng “Một đồng bạc” chỉ mang tính hư cấu. “Tôi” ở đây cũng không phải là chính tác giả, cũng không ai ngây dại mà nghĩ rằng có hẳn một gia đình Ký Bích ở đời thật. Văn học chỉ mượn chất liệu từ hiện thực cuộc sống và sáng tạo nên tác phẩm bằng trí tưởng tượng của nhà văn. Bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo, Vũ Trọng Phụng đã tái hiện lại hiện thực đương thời bằng tác phẩm “Một đồng bạc”.

Tính hư cấu của tác phẩm được xây dựng qua những tình huống tưởng tượng, Vũ Trọng Phụng cho vào một sự kiện mang tính bước ngoặt: gia đình Bích Ký sa cơ, “Chồng thì đương làm ăn yên lành bỗng bị sở loại… hai đứa con cũng lại hay sài”. “Giữa lúc tôi đương đứng cạo râu trước gương, sắp sửa để đến chỗ hẹn với một người bạn ở tỉnh xa về chơi mà tôi có bổn phận tiếp đãi thật long trọng, thì chị Bích bước vào nhà. Vợ tôi lúc ấy lại đi đâu vắng...” Bị đặt vào tình huống gặp lại cố nhân nay đã trở nên “bấn túng”, nhân vật tôi đã lộ ra những suy nghĩ vô cùng ti tiện và hèn hạ "Liệu hồn! Lại bị tống tiền rồi đây!" Rồi tôi thấy phiền quá” Vũ Trọng Phụng không kiêng dè gì mà phơi bày ra hết những suy nghĩ đê hèn, cay nghiệt và vô tình “Bao nhiêu cái gì là ích kỷ, là đê hèn, là chó má, là tàn nhẫn, lúc ấy đều thức dậy cả trong cái tấm lòng khốn nạn của tôi. Cúi đầu xuống, tôi bĩu môi nghĩ về vợ chồng ký Bích: "Sướng lắm thì khổ nhiều!" ấy thế là những sự thù tạc, biếu xén, quà bánh, thết đãi của vợ chồng ký Bích khi xưa đã làm cho tôi thấy là vinh dự, đáng quý hoá, thì bây giờ chỉ khiến tôi thấy đó là kiểu cách, lôi thôi, phiền phức, giả dối, khó chịu, và nhất là tai hại, hầu như là đã khiến cho vợ chồng tôi vì đối đáp lại những cái ấy mà đã có hồi khuynh gia bại sản nữa! Tôi thấy họ đáng kiếp, không đáng thương tí nào.” Những bức xúc bị kiềm nén trong vô thức bấy lâu nay đã trào dâng, bộc phát lên trong tâm trí nhân vật tôi. Anh ta bỗng dấy lên một xúc cảm hả hê, thỏa mãn. Giả tạo, hèn hạ không đáng sợ, đáng sợ là nó được đội lên mình cái vỏ bọc nhân nghĩa, nghĩa hiệp: “Rõ khổ quá! Thì sao bác lại không nói là tôi cho hẳn cháu? Mà tốt hơn nữa thì bác đừng nói gì, có hay không! Chẳng nói bác ắt cũng thừa biết đấy, bụng dạ đàn bà nhỏ nhen như cái lỗ kim... Thế là rồi nhà tôi nó sẽ không bao giờ quên là bác đã nợ nó cái đồng bạc ấy.”

Chỉ vì lời nói ấy và một đồng bạc mà hai gia đình tưởng chừng như sẽ sống chết cùng nhau, đã từng vui vẻ ra mặt mà đối đãi tử tế với nhau này không còn gặp nhau nữa. Chị Bích phải chạy trốn vì sợ bị đòi tiền, còn nhân vật tôi thì hối hận, khổ sở vì mang nặng một vết thương tình cảm “tôi buồn nôn, thì tôi ghê tởm cả cho chính tôi, vì rằng, trừ một bọn nịnh sằng vẫn gọi tôi là danh sĩ, là văn hào, thì, trong thiên hạ, than ôi lại vẫn có một số người đứng đắn kia nỡ lòng khen tôi là "một người tử tế". Một kẻ bạc tình, tráo trở lại khoác lên người lớp áo nhân đức, đi bố thí cho người khác có một đồng bạc mà khiến vợ chồng họ phải trốn chui trốn nhủi.

Tóm lại, Truyện ngắn “Một đồng bạc” là câu chuyện xoay quanh gia đình nhân vật tôi và gia đình Ký Bích. với truyện ngắn “Một đồng bạc”, Vũ Trọng Phụng đã tố cáo, vạch trần cái xã hội sống vì vật chất, con người thì giả tạo, giả nhân giả nghĩa nhưng lại sắm cho mình cái vai người làm thiện. thời gian trôi qua đủ làm cho con người ta quên đi cái tình, cái nghĩa một thời mà người khác đối đãi với mình. Một đồng bạc, đúng là bạc thật. Đồng bạc hay đời bạc?

Nhận xét