Mỗi người đều có một vị trí và đích đến cuối cùng của mình
Đề: suy nghĩ của anh chị về ý kiến của Oliver Wendell Holmes “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng chúng ta ở đâu.”
(Dẫn theo Micheal J Ritt JR, chìa khóa tư duy tích cực, NXB trẻ,2009.tr/158)
Mỗi người chúng ta sinh ra trên đời đều mong cầu có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc và đặc biệt ai cũng cố gắng phấn đấu từng ngày để đạt được một vị trí tốt đẹp trong cuộc sống. Nếu như cuộc đời này là một đại dương rộng lớn thì mỗi người chúng ta là một sinh vật cùng nhau góp phần tạo nên một hệ sinh thái thủy sinh đa dạng, phong phú. Mỗi người đều có một vị trí khác nhau trong cuộc đời. Có người là cá mập, cá voi hùng vĩ, to lớn hay chỉ là cá hề, cá nóc tầm trung, thậm chí có những người chỉ là kiếp sinh vật phù du sống trôi nổi, bơi đi một cách yếu ớt, lay lắt giữa biển khơi rộng lớn… Cho dù là ai, ở vị trí nào đi chăng nữa thì cá nhân mỗi người đều mang trong mình những khát khao, mục tiêu và chúng ta đang từng ngày một nỗ lực để đạt được những hoài bão ấy. Trong quá trình trưởng thành, ai ai cũng từng bước đi từ một vị trí nào đó của cuộc sống đến với đích đến cuối cùng mà mình hướng đến. Chính vì lẽ đó mà trong cuốn “Chìa khóa tư duy tích cực”, Oliver Wendell Holmes đã từng quan niệm: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu.”
Một nhà triết học đã từng nói: “Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Mọi người đương nhiên cần thực phẩm. Cùng tình yêu và lòng trìu mến nữa. Nhưng có điều gì khác mà tất cả chúng ta đều cần: đó là biết chúng ta là ai và tại sao chúng ta sống”. Chúng ta đều sống và trưởng thành bằng sự mong cầu và sự mong cầu ấy ngày càng lớn dần lên. Khi một người đói, họ chỉ cần được ăn no và khi đủ đầy hơn, điều họ muốn không chỉ là ăn no mà còn là ăn ngon và mặc đẹp. Khi nói về vị trí của mỗi người trong xã hội cũng vậy, ai ai trong chúng ta cũng bước đi từ con số không và sau đó dần dần ta khát khao có một địa vị cao,cao hơn nữa trong cuộc đời. Xã hội luôn vận hành theo cách đào thải từng cá nhân yếu kém, chính vì lẽ đó mà con người luôn cố gắng phấn đấu để có được một vị trí nhất định trong cuộc đời. Thế nhưng điều quan trọng không phải là chúng ta đang đứng đâu, “Không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời” mà điều cốt lõi, quan trọng chính là cái “Đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu” - những mục tiêu, những ước mơ, khát vọng mà chúng ta muốn hướng đến. Quan niệm của Oliver Wendell Holmes chính là những đúc kết quý giá từ những trải nghiệm, vốn sống của cá nhân ông và từ đó gợi ra một bài học cho chúng ta về hành trình “Thám hiểm cuộc sống”: Ý nghĩa thật sự của cuộc sống chính là hướng đến những đích đến cuối cùng, nơi mà ở đó chúng ta biết mình thật sự là ai, chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi mình đạt được những mục tiêu và hài lòng với những gì mình đang có.Định kiến về vị trí trong xã hội sẽ làm hạn chế đi rất nhiều tuyệt vời và che lấp đi dự định ban đầu mà bạn mong muốn. Quan trọng không phải là mình đứng đâu, mà là mình sẽ đi về hướng nào!
Có nhiều người khi còn trẻ ước mơ sau này sẽ được làm bất cứ điều gì mình thích nhưng sau khi lớn lên, chúng ta không chọn làm những điều mình yêu thích bởi lẽ có những việc phải đánh đổi bằng vị trí mà chúng ta có trong xã hội. Ai trong chúng ta cũng từng rẽ hướng sang một lối đi khác bởi những định kiến từ cha mẹ, xã hội như “Làm những công việc đó thì chẳng được ai tôn trọng đâu” “Làm những thứ đó thì làm sao có chỗ đứng trong xã hội được.” Đôi khi, vị trí mà ta trưởng thành và thành công khác xa so với những gì chúng ta hoạch định ban đầu. Có thể vị trí của chúng ta ở hiện tại được nhiều người ngưỡng mộ, trở nên thành công nhưng trong thâm tâm chúng ta lại chẳng có được cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn mà những vị trí ấy mang lại. Có rất nhiều người tưởng như đạt được tất cả những gì tốt đẹp nhất, được nhiều người ngưỡng vọng nhưng lại chẳng hề thấy mãn nguyện. Đó là do họ luôn chạy theo hệ giá trị của người khác. Họ lao vào cuộc sống như một tay đua lao vào con đường sương mù, đi theo những tấm biển chỉ dẫn của xã hội, hoặc của gia đình chỉ để có được những vị trí nhất định trong cuộc đời. Và kết quả đích đến cuối cùng thường không phải là nơi mà họ thật sự tìm kiếm. Dù cho có bao nhiêu danh vọng, địa vị đi chăng nữa thì sau cùng chúng ta chẳng là ai trên đời cả bởi con người không được làm những điều mình thật sự mong ước, không biết được bến bờ mà mình cần đến là nơi đâu. Sống như vậy thì chẳng có gì là hạnh phúc cả!
Sự thành công đích thực phải đi kèm với cảm giác được hạnh phúc. Mỗi người chúng ta cần phải xác định được hệ giá trị cho bản thân, phải nghiêm túc tìm hiểu và phấn đấu để tìm được đích đến của cuộc đời mình. Quá trình con người đi tìm lẽ sống là quá trình hướng đến cái đích cuối cùng chứ không phải dừng lại ở việc tìm kiếm những vị trí tốt trong cuộc đời. “Vị trí nào trong cuộc đời” chỉ là một phương tiện, cơ hội để ta hướng đến những giá trị tốt đẹp, mơ ước của bản thân chứ không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Có thể bạn không có một vị trí cao trong xã hội nhưng bạn hiểu được mình là ai, mình muốn gì và bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy cuộc sống của mình tốt hơn mỗi ngày khi được thực hiện những điều mình cho là đúng đắn: hướng đến đích đến cuối cùng của chúng ta. Đôi khi, vị trí mà ta trưởng thành và thành công khác rất xa so với vị trí mà xã hội, gia đình và bạn bè mong muốn và chấp nhận. Nhưng ít nhất ngay từ đầu, bạn đã có một định vị, một tình yêu vào bất kỳ công việc nào bạn làm, vì có như thế bạn mới có thể làm tốt công việc đó. Đây là xuất phát điểm và hãy mạnh dạn đón nhận những thay đổi, những cơ hội mới với tinh thần luôn tiến về phía trước, luôn sẵn sàng cho mọi thách thức. Không quan trọng mình đứng ở đâu, quan trọng là mình sẽ đi về hướng nào!
Chúng ta đã từng biết đến Walt Disney - cha đẻ của hãng phim hoạt hình Disney, người được cả thế giới đón nhận, tôn vinh với những cống hiến của ông đối với ngành công nghiệp sản xuất phim. Cuộc đời của ông trôi qua chẳng hề dễ dàng, bằng phẳng, đó là hành trình từ một kẻ vô gia cư đến ông chủ của “Vùng đất hạnh phúc nhất thế giới.” Ông đã từng trải qua tình cảnh mất nhà, trở thành người vô gia cư và thua lỗ triền miên: những sáng tạo của ông không được bất cứ hãng phim nào đón nhận và đầu tư. Ở trong hoàn cảnh bi thảm, trở thành người có thể nói là dưới đáy xã hội ấy, nếu là những người khác thì có lẽ họ đã rẽ sang làm những công việc khác để đổi đời song Walt Disney vẫn kiên định với giấc mơ ban đầu của mình và ông đã thành công. Walt Disney thành công bởi ông không ngừng nỗ lực theo đuổi ước mơ của mình và đặc biệt ông luôn làm mọi thứ để hướng đến đích đến cuối cùng của đời mình: ước muốn được sống trong một thế giới tràn ngập sự yêu thương và hạnh phúc. Không chỉ riêng ông mà có lẽ ai trong chúng ta cũng vậy, khi biết xác định được những điều quan trọng trong cuộc sống và cố gắng phấn đấu cho điều ấy thì tự khắc chúng ta cũng sẽ có được một vị trí nhất định trong cuộc đời bởi lẽ những điều tốt đẹp luôn thu hút, hấp dẫn lẫn nhau!
Xác định được hệ giá trị cho bản thân là một quá trình đầy chông gai. Có rất nhiều người nói rằng họ không hề biết mình muốn gì cho đến những năm 40 tuổi và thậm chí là trễ hơn nữa. Đích đến cuối cùng là kết quả của việc sống và không ngừng trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm. Giờ đây, muốn thành công và hạnh phúc thật sự, mỗi chúng ta phải trở thành những kẻ phiêu lưu. Chúng ta phải tự mò mẫm trong sương mù, tự xác định những chỉ dẫn hay thậm chí đi vào những con đường sai để đúc kết được cho mình những bài học quý giá từ cuộc sống. Lắng nghe chính mình và tiếp thu, tự điều chình bản thân, từng chút một trong hành trình ấy, ta sẽ biết được điều quan trọng không phải là ta nhận được những vị trí nào trong cuộc đời mà là đích đến cuối cùng, điều mà mình thật sự cần và muốn.
Trong thực tế cuộc sống vẫn có quá nhiều người đánh mất chính mình, bỏ qua đích đến cuối cùng của cuộc đời chỉ để phấn đấu có được địa vị, danh vọng tối cao. Những con người ấy không những đáng trách mà còn đáng thương bởi lẽ chẳng còn gì tồi tệ hơn khi chúng ta tồn tại trên đời mà chẳng biết mình thật sự muốn gì, cần gì; chúng ta lạc lối và mất phương hướng giữa cuộc đời chỉ vì đi tìm những vị trí nào đó trong cuộc sống. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có lỗi khi mong muốn có một vị trí tốt đẹp trong xã hội và chúng ta mặc kệ tất cả, chỉ cần làm điều mình thích là được. Đó không phải là chân lí, đó chính là sự hời hợt, từ bỏ giá trị bản thân. cả thế giới đều muốn bản thân được hạnh phúc và được người khác tôn trọng. Có được một vị trí nhất định trong cuộc sống cũng là điều quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất và càng không phải vì điều ấy mà gạt đi đích đến cuối cùng của cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều cần học cách cân bằng, chấp nhận những gì mình đang có và sử dụng mọi thứ hợp lí để hướng đến những giá trị cốt lõi, quan trọng mà mình thật sự mong cầu.
Thế giới này thật lắm quy tắc nhưng quy tắc đều là do con người đặt ra cả. Chính vì vậy không có điều gì là hoàn toàn đúng tuyệt đối. Cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh đều là do thái độ và cách nhìn của con người quyết định. Cảm giác hạnh phúc càng hoàn toàn không phải đến từ vị trí chúng ta đạt được mà nó xuất phát từ sự định hướng đúng đắn, chấp nhận với những gì mình đang có và thực sự biết được đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu. Làm những loài cá to lớn, vĩ đại giữa đại dương thì tuyệt vời thật nhưng nếu cá mập không nhận ra giá trị của chính bản thân nó, không biết mình đang bơi về hướng nào thì cho dù có là ai đi chăng nữa cũng chỉ sản sinh ra những cảm giác tiêu cực, bất hạnh mà thôi… Mỗi người đều chỉ sống trên đời một lần, nếu biết trăm năm là hữu hạn thì tại sao chúng ta không thử nỗ lực phấn đấu để theo đuổi cho bằng được “Nhẫn đạo” của mình?
Ng Khánh Lệ Huyền
Nhận xét
Đăng nhận xét