Hình tượng ông lái đò trong "Người lái đò sông Đà"

 Hình tượng người lái đò sông Đà


Hình minh họa cho Người lái đò Sông Đà

       Khi bàn về quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, P.Vovlenko đã từng quan niệm: “Tôi thu thập hình tượng cũng như con ong hút mật vậy. Một con ong phải bay một đoạn đường bằng sáu lần xích đạo trong một năm ba tháng và đậu lên bảy triệu bông hoa để làm nên một gam mật.” Quả thực như vậy, khi bước vào quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn, nhà nghệ sĩ luôn cần mẫn như con ong hút lấy tinh nhụy của cuộc sống để từ đó làm nên hương sắc cho đời. Họ trút hết bầu máu nóng của mình ra để giao cảm với đời và họ bước đi trên muôn vàn nẻo đường để khám phá hết thảy cái hay, cái đẹp, cái hùng vĩ, nên thơ của quê hương, xứ sở mình. Họ đi đến những vùng đất khác nhau để hiểu hơn về cuộc sống của con người như Nguyễn Minh Châu từng chia sẻ “Phải đi nhiều, tiếp xúc với đời sống thực tế rồi viết và viết được nhiều.” Từ Tô Hoài luôn khám phá những chân trời mới và gửi niềm thương nhớ sâu nặng đến Tây Bắc qua “Truyện Tây Bắc” hay cho đến Nguyên Ngọc ở khu năm thâm nhập vào Tây Nguyên để viết “Đất nước đứng lên” và đặc biệt khi theo chân nhà văn Nguyễn Tuân - người suốt đời đi tìm cái đẹp đi thực tế trên mảnh đất Tây Bắc, ta ngỡ ngàng khi chứng kiến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc qua linh hồn của tập tùy bút “Sông Đà” - bài kí “Người lái đò sông Đà”. Đến với “Người lái đò sông đà”, ta sẽ thấy thêm yêu mến và trân trọng cuộc đời, con người qua hình tượng người lái đò ở hai đoạn trích miêu tả hai khía cạnh của người lái đò. Từ đó làm nổi bật lên được qua niệm của nhà văn về nghệ thuật.

       Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân được biết đến là một cây bút tiên phong với sự nghiệp sáng tác vô cùng đồ sộ và độc đáo. Con người cũng như sự nghiệp văn học của ông để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả cho đến ngày nay. Ông là nhà văn tài năng với phong cách và nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện không trộn lẫn với bất kì ai cả. Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam với lối chơi độc tấu và tự nhận mình là “Chuyên viên tiếng Việt”, Nguyễn Tuân đã cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn tài hoa uyên bác của nhà văn. Không chỉ nổi tiếng từ rất sớm với “Vang bóng một thời”, sau cách mạng Nguyễn Tuân vẫn là một hiện tượng văn học có sức ảnh hưởng lớn với tập tùy bút “Sông đà” và đặc biệt với linh hồn của tâp tùy bút: “Người lái đò sông Đà”. ‘Sông đà” là thành quả của chuyến đi gian khổ và hào hứng của Nguyễn Tuân lên miền đất Tây Bắc xa xôi và rộng lớn những năm 1958 - 1960. Chuyễn đi không chỉ nhằm thỏa mãn niềm khát khao xê dịch mà còn là cuộc tìm kiếm chất vàng mười Tây Bắc của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân. Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” đã khai thác được chất vàng trong vẻ đẹp hung bạo, hùng vĩ và trữ tình của con sông Đà - biểu tượng của thiên nhiên Tây Bắc và “chất vàng mười đã qua thử lửa” của Tây Bắc: vẻ đẹp tâm hồn của người lao động Tây bắc trong sinh hoạt và chiến đấu. Qua đó, Nguyễn Tuân đã bộc lộ niềm tự hào về cảnh sắc quê hương và con người Tây Bắc.














hình minh họa cho sông Đà 


       Trong tùy bút, Nguyễn Tuân không đặt cho nhân vật một cái tên cụ thể mà gọi thân mật là ông lái đò Lai Châu. Có thể nói việc không đặt tên nhân vật đã tạo ra một bức chân dung có sức khái quát cho vẻ đẹp con người lao động Tây Bắc nói riêng và con người lao động nói chung trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm 60 của thế kỉ hai mươi. Ông lái đò xuất hiện với ngoại hình mang đậm dấu ấn nghệ nghiệp “Tay dài lêu ngêu như cái sào, chân quỳnh quỳnh như kẹp lấy cái cuống lái tưởng tượng. Giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông.” Ông lái đò như được sinh ra từ sóng thác hung dữ của Đà giang. Đó là diện mạo của một người lái đò đích thực, một linh hồn muôn thuở của sông nước.

         Thấp thoáng bức chân dung người lái đò mang vẻ đẹp phi thường, khác thường của một anh hùng. Khi đối diện với con sông Đà hung bạo, ghê rợn mang “Diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một” sẵn sàng nhăm nhe bất kì chiếc thuyền nào dám băng qua nó: con sông đà cuồn cuộn chảy với những hình ảnh sinh động “Sóng xô gió, gió xô đá, đá xô nước”, những cái hốc nước và xoáy nước kèm theo những âm thanh man dại “Ặc ặc như rót dầu sôi vào” hay như “Một ngàn con trâu mộng giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa” ai oán, giận dữ khiến ai cũng phải run sợ.... ông lái đò đã xuất hiện như một chiến binh, một anh hùng đi vào trận địa mà con sông đà đã sắp đặt. Người lái đò với tâm thế ung dung, dũng mãnh đã chèo vào vòng vây thạch trận với những chiến thuật thông minh mưu trí “Ông đó hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”. Qua đôi mắt của Nguyễn Tuân người lái đò lúc này chẳng khác nào là một chiến binh với những nghệ thuật quân sự độc đáo, hấp dân. Trong lúc “Mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình. Sóng nước như thế quân liều mạng vào sát vách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên” gây bao đau đớn, thương tổn cho người lái đò bởi những đợt tấn công thâm hiểm, hung bạo và thậm chí có thể lấy mạng người lái đò nếu ông bất cẩn lơ là. Người lái đò vẫn giữ hết sức bình sinh “Ông đò vẫn cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuốn lái, mặt méo bệch đi như cái luồng song đánh hồi luồng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm”. Cuộc đấu tranh giữa con người và thiên nhiên vẫn không có hồi kết bởi đó là trận chiến căng thẳng, nảy lửa không khoan nhượng, người lái đò có thể bị bóp chết lúc nào nếu lờ là. Nước và đá sông đà không chỉ nguy hiểm bởi sự hung bạo mà chúng còn như chứa đựng những linh hồn biết suy tính... Đó không chỉ là cuộc chiến nảy lửa về sức mà còn về trí tuệ, chiến lược và sức mạnh tinh thần “Tăng thêm mãi tiếng hỗn chiến của nước, của thác đá. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của người cầm lái.” Người lái đò không chỉ là một nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa khi thích chèo qua những đoạn địa hình hiểm trở, gập ghềnh mà còn mang trong mình dáng vẻ kiên cường, dũng mãn như một vị thủ lĩnh, chiến sĩ trong những kế hoạch quân sự. Qua trận chiến ở vòng vây thạch trận, người đọc không chỉ thỏa mãn bởi sự choáng ngợp, hấp dẫn của cuộc chiến mà còn cảm thấy khâm phục sự đa mưu túc trí, bản lĩnh của ông lái đò. Qua hình tượng ông lái đò vừa tài hoa nghệ sĩ, vừa mưu trí phi thường, ta hiểu hơn về những khó khăn, hiểm nguy, những gì mà người dân lao động Tây Bắc phải trải qua mỗi ngày. Nó hiện lên một cách rõ nét, sinh động qua cách xây dựng hình tượng ông đò và vòng vây thạch trận bằng ngòi bút điêu luyện của nhà văn Nguyễn Tuân khi kết hợp nhiều vốn tri thức, hiểu biết phong phú, đa dạng và sâu sắc của mình về nhiều lĩnh vực như quân sự, địa lý,... trong từng trang viết để giúp người đọc hình dung một cách chân thực và sinh động.

      Sau cuộc mưu sinh vất vả, người lái đò đã trở về với những giây phút riêng tư, với cuộc sống thường nhật của mình. Một ngày của ông đò khép lại với “Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Dêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ xanh, về những cá hầm cá hang mùa koor nổ những tiếng to như mìn bốc phá rồi cá tùa ra đầy tràn ruộng.” Đó là hung cảnh sinh hoạt thật thanh bình, giản đơn mà đầm ấm, hạnh phúc của những người lái đò cùng bên gia đình, bạn bè. Khi khép lại chuỗi ngày lao động mưu sinh vất vả “Cũng chả ai bàn thêm một lời nào nữa về cuộc chiến thắng vừa qua nởi cửa ải đủ tướng dữ, quân tợn vừa rồi” bởi lẽ đó chính là những gì mà họ trải qua hằng ngày, chẳng ai nhắc đến những “Sóng thách đá xèo xèo tan trong trí nhớ”, ai cũng hiểu rõ sự vất vả, cực nhọc trong cuộc chiến mưu sinh. Giờ đây,người lái đò cởi bỏ tài năng, tài trí hơn người cũng như sự tài hoa để nghỉ ngơi, dành thời gian bên gia đình. Nguyễn Tuân đã đề cập đến những khía cạnh rất đỗi nhân bản của người dân lao động và cho chúng ta thấy được công cuộc chinh phục thiên nhiên cũng như cuộc sống lao động của những người dân lao động trong thời kì đổi mới, đi lên xã hội chủ nghĩa. Dù ở đâu đi chăng nữa, thời bình hay thời chiến thì những người dân lao động đều mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn giản dị, lam lũ mưu sinh và vô cùng đẹp đẽ, đáng yêu, đáng quý. Không có ngành nghề cao quý mà chỉ có những con người cao quý, lao động hết sức mình như ông lái đò đã tận tâm tận lực, hết lòng với công việc của mình!

        “Người lái đò sông đà” là một trong những tác phẩm nêu bật lên phong cách và cá tính sáng tạo của Nguyễn Tuân. Bằng nghệ thuật xây dựng hình tượng ông lái đò độc đáo với ngôn từ điêu luyện, sinh động và kết hợp những kiến thức, hiểu biết đa dạng về địa lý, quân sự, chiến lược... Nguyễn Tuân đã thành công xây dựng nên một hình tượng người lái đò trọn vẹn, tài trí hơn người và cũng rất mực tài hoa nghệ sĩ với nhiều khía cạnh khác nhau. Hình tượng ông lái đò cũng chính là đại diện cho những người dân lao động Tây Bắc nói riêng và những người dân lao động nói chung vô cùng đáng quý. Từ đó, ta cos thể thấy được tình yêu thương mà Nguyễn Tuân dành cho thiên nhiên và con người nơi đây cũng như củng cố , khơi dậy lên trong ta tình yêu thương đất nước, trân trọng con người sâu sắc.

Thạch Lam đã từng quan niệm: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở những chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.” Quả thật như thế, một nhà văn, nhà nghệ sĩ chân chính phải là người biết tìm kiếm, trân trọng vẻ đẹp của cuộc đời và con người từ đó tái hiện lại hiện thực cuộc sống bằng bằng cái nhìn mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. “Người lái đò sông Đà” không chỉ là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, bài ca về sức sống bất diệt của người lao động mà còn gieo rắc cho con người niềm tin, hy vọng đến với cuộc sống tươi đẹp. Đối với Nguyễn Tuân, ông luôn mang trong mình niềm vui của “Người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” và “Cái đẹp cứu chuộc thế giới’. Nguyễn Tuân luôn không ngừng tìm kiếm và nâng niu, tôn vinh cái đẹp. Ông tìm kiếm cái hay, cái đẹp trong từng nếp sống, giá trị văn hóa, truyền thống tâm linh, của những con người tài năng và gửi gắm nó qua từng trang viết. Nếu như trước khia, Nguyễn Tuân nhận ra được ở nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” với vẻ đẹp tài hoa, khí phách với thiên lương cao đẹp, với những con người có tấm lòng biệt nhỡn liên tài để ca ngợi cái đẹp của tài hoa, khí phách và thiên lương cảm hóa con người còn “vang bóng” thì ngày nay Nguyễn Tuân tìm thấy được vẻ đẹp trong người lái đò sông đà với nét đẹp đẹp lao động chiến đấu, trong không khí yêu mến thiết tha thiên nhiên đất nước, trong niềm hồ hởi với cuộc sống mới, con người mới và ca ngợi những nhân vật tài hoa có thể tìm thấy ngay trong cuộc chiến đấu, lao động hàng ngày của nhân dân. Nguyễn Tuân đã có sự rung cảm mãnh liệt với cái đẹp ở quê hương xứ sở mình. Đối với ông, những người có tài năng trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là một người nghệ sĩ. Đó cũng chính là một quan niệm tiến bộ, nhân văn về cái đẹp của ông. Tác phẩm “người lái đò sông đà” đã đem đến cho người đọc niềm tự hào của một dân tộc không chỉ có chính nghĩa và khí phách anh hùng mà còn ở tư thế sang trọng và tuyệt mĩ của những con người sinh ra trên một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến.

“Nghệ thuật luôn vượt qua những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Thời gian vẫn trôi đi, bốn mùa luôn luân chuyển nhưng những gì là văn chương nghệ thuật đích thực sẽ luôn sống mãi cùng thời gian. Nguyễn Tuân đã mất những người và “Người lái đò sông đà” sẽ luôn sống mãi trong tình thương và nỗi nhớ của hàng triệu quý độc giả bởi những giá trị mà tác phẩm và tài năng cuar nhà văn để lại cho nền văn học Việt Nam. “Người lái đò sông đà” không chỉ ánh lên vẻ đẹp của tài năng, nhân cách nguyễn tuân mà còn là cái đẹp đời thực của thiên nhiên và con người tây bắc. Chính lẽ đó mà tác phẩm sẽ luôn sống mãi trong lòng người đọc bao năm tháng qua!

Ng Khánh Lệ Huyền

Nhận xét