Hình ảnh hoa trong bài thơ "Tây Tiến": một điểm sáng nâng lòng người chiến sĩ

 

   Trong bài thơ "Tây tiến" của "trang tài hoa" xứ Đoài mây trắng Quang Dũng, hình ảnh hoa đã xuất hiện ở những vị trí khác nhau. Có khi, “Hoa” xuất hiện trên chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến. Cũng có khi,”Hoa” xuất hiện trong những buổi liên hoan văn nghệ ấm áp, tươi vui. Không chỉ là một sinh thể vô tri mà hình ảnh hoa còn mang đến cho độc giả những bồi hồi, xuyến xao về một Tây Tiến rất đỗi lãng mạn..
hình minh họa

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa.”


Từ bao giờ cho đến bây giờ, thơ luôn là tâm hồn, là tình cảm. Những vần thơ ấy diễn đạt rất thành công mọi cung bậc cảm xúc đa dạng và phong phú của con người: niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, nỗi trăn trở, băn khoăn hay một nỗi buồn vu vơ... Có những tâm trạng mà người ta chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Chính vì thế thơ không chỉ nói hộ lòng người, thơ còn là sự an ủi, động viên và khích lệ con người ta đi tới. Bằng hồn thơ phóng khoáng, hào hoa, đậm chất lãng mạn, “Trang tài hoa” xứ Đoài – nhà thơ Quang Dũng đã mang người đọc đến một vùng kí ức mà ở đó thiên nhiên núi rừng Tây Bắc cùng hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên như một tượng đài bất diệt qua tác phẩm “Tây Tiến”. Trong tác phẩm “Tây Tiến”, Nhà thơ Quang Dũng cũng đã nhiều lần miêu tả hình ảnh hoa. Có khi, “Hoa” xuất hiện trên chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến. Cũng có khi,”Hoa” xuất hiện trong những buổi liên hoan văn nghệ ấm áp, tươi vui. Từ việc miêu tả hình ảnh “Hoa” trong tác phẩm “Tây Tiến”, bạn đọc chúng ta phần nào cảm nhận được sâu sắc tình cảm tha thiết của Quang Dũng cũng như cuộc hành quân gian khổ mà ấm áp tình người của binh đoàn Tây Tiến từ đó làm nổi bật phong cách thơ tài hoa - lãng mạn của Quang Dũng.

Đầu năm 1947, một đơn vị quân đội có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, đánh tiêu hao quân địch, được thành lập mang tên Tây Tiến. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên tri thức Hà Nội với tâm hồn lãng mạn, hào hoa đã xếp bút nghiêng lên đường chiến đấu. Nhà thơ Quang Dũng là đại đội trưởng của bình đoàn Tây Tiến từ đầu - cuối năm 1948 thì chuyển sang đơn vị mới. Như Tố Hữu viết: “Mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được thì lại cần thấy làm thơ”, khi nỗi nhớ về đơn vị cũ trào dâng trong lòng, Quang Dũng sáng tác nên bài thơ Tây Tiến tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây).

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

................

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”

(Quang Dũng)

Mở đầu bài thơ, thi sĩ đã khéo léo dẫn độc giả bước vào khung cảnh miền núi hoang sơ, dữ dội qua nỗi nhớ về con người, nhớ về cuộc hành trình đầy gian khổ: 

“Sông Mã đã rồi Tây Tiến ơi !

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Tác giả đã cụ thể hoá địa hình hoạt động của đoàn lính Tây Tiến, đó là vùng đồi núi trải dài từ biên giới phía Tây tỉnh Thành Hoá mà dòng sông Mã là trung tâm. Sông Mã lúc bấy giờ đã rời xa Tây Tiến. Câu cảm “Tây Tiến ơi!” vang lên như tiếng gọi thổn thức trong lòng, gắn liền với bao kỉ niệm về đoàn Tây Tiến. Nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến là cảm xúc chủ đạo bao trùm cả bài thơ, nhà thơ nhớ về “sông Mã”, nhớ về “rừng núi” bằng một nỗi nhớ “chơi vơi”. Điệp từ “nhớ” trong câu thơ đã nhấn mạnh nỗi nhớ vừa cụ thể vừa gắn liền với địa danh Tây Bắc. Thi sĩ đã có cách tổ hợp từ ngữ rất lạ. “Nhớ chơi vơi” - một nỗi nhớ về con người, thiên nhiên Tây Bắc. Từ láy “chơi vơi” kết hợp với vần “ơi” tạo ra độ mở lớn, mở ra một khoảng không gian mênh mông kết hợp với hai thanh bằng khiến nỗi nhớ bị kéo dài ra tới vô thời hạn... Trạng thái lơ lửng bồng bềnh của “chơi vơi” cộng hưởng với nền cảm xúc nồng nàn, say đắm là niềm nhớ đã tạo nên một nỗi “nhớ chơi vơi” có một không hai trên thi đàn. Đó là nỗi nhớ đầy ắp, mênh mang, khoả lấp cả không gian, thời gian và không thể nào đong đếm được. Xuân Diệu cũng có câu thơ đề cập đến cảm xúc “nhớ chơi vơi”:

“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.”

Đều dùng từ “chơi vơi” để diễn tả nỗi nhớ nhưng “chơi vơi” của Quang Dũng lại mang nhiều nét nghĩa hơn bởi nó không chỉ diễn tả được trạng thái cảm xúc của con người mà còn miêu tả chính xác về địa danh. Có lẽ vì khoảng không gian rừng núi Tây Bắc rộng lớn, hùng vĩ nên nỗi nhớ của thi sĩ giờ đây mới trở nên “chơi vơi”. Nỗi nhớ đánh dậy một nguồn sinh khí, nó soi đến đâu, đều làm cho muôn vàn hình sắc trong kí ức bấy giờ mới bừng tỉnh để sống đời hình tượng của chúng với tất cả vẻ tươi tắn sơn nguyên nhất trong miền kí ức Tây Tiến, những chi tiết nhỏ nhất cũng thấm đượm nỗi nhớ trập trùng, da diết.

Quang Dũng nhớ về chặng đường hành quân gian khổ gắn liền với khung cảnh miền Tây với những hình ảnh “Hoa về” rất đẹp:


“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

Qua lời thơ Quang Dũng, ta tưởng tượng ra địa danh đi theo hành trình đoàn quân Tây Tiến từ Thanh Hóa lên Tây Bắc là một chặng đường hành quân với khí hậu khắc nghiệt, sương mù bao phủ như che lấp cả đoàn quân tạo một ấn tượng mạnh mẽ về sự gian khổ. Mỗi một địa danh đều làm sống lại trong lòng người lính những kỉ niệm khó quên bởi những nơi ta từng đi qua đều có in dấu kỉ niệm, chỉ có thơ mới có thể khơi gợi lại những cảm xúc mãnh liệt ấy. Tác giả ghi “hoa về” chứ không phải “hoa nở”, “đêm hơi” chứ không phải “đêm sương” để gợi nên hình ảnh hoa hiện ra mờ ảo trong đêm sương: trong màn sương vẫn thấy được hoa. Câu thơ mang nét đẹp lung linh, huyền ảo qua ngòi bút lãng mạn, tài hoa của nhà thơ. Nếu như ở những câu thơ khác, chúng ta cảm nhận được sự nguy hiểm, gian truân và những cái chết mà chặng đường hành quân gian khó mang lại qua cách bút pháp khắc họa hiện thực đầy sinh động và chân thực của Quang Dũng thì ở hai câu thơ trên, nhà văn đã làm dịu đi cái không khí tàn khốc, vất vả gian lao mà chiến tranh mang lại. Dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, là hòa bình hay thời chiến ác liệt, vẫn có những hình ảnh đẹp đẽ, lãng mạn đủ sức làm tâm hồn con người được lắng lại. Mường Lát không chỉ là một địa danh cụ thể, “Hoa” cũng không chỉ là một sự vật đơn giản vô tri vô giác mà trong chặng đường hành quân gian khó, “Hoa” cũng chính là một người bạn chứng kiến hết sự vất vả mà người lính phải trải qua và chính những bông hoa đẹp đẽ ấy sẽ là kỉ niệm khó quên, là động lực mãnh liệt luôn thôi thúc các anh vững tâm lên đường, cố gắng để bảo vệ những thứ đẹp đẽ của tổ quốc! Hình ảnh “Hoa” như một điểm nhấn nhẹ nhàng nhưng đủ làm xuyến xao bao trái tim, nó cắt đi mạch thơ đầy gian truân cũng như cắt đi phần nào gánh nặng, mệt mỏi của những người lính.

Raigiatop cũng từng có câu thơ: "Thơ là đôi cánh nâng tôi bay, thơ là vũ khi trong trận đánh." Những vần thơ không chỉ là chân trời sáng tạo, đỉnh cao của nghệ thuật mà những câu thơ tuyệt đẹp ấy còn nâng đỡ tâm hồn con người trong những lúc giá băng, đắng cay; vực con người đứng dậy từ những vũng lầy tăm tối và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của mỗi người trên thế giới. Chữ "hoa" trong câu thơ "Mường lát hoa về trong đêm hơi" khiến ta hình dung tới hình ảnh những ngọn đèn lung linh, huyền hoặc trong đêm sương. Kết hợp với hình ảnh mờ sương giữa rừng núi càng làm cho bức tranh trở nên ấn tượng, đầy những đường nét ảo diệu. Đó cũng chính là cái nhìn hiện thực qua lăng kính đây lãng mạn của người thi sĩ hồn hậu, tài hoa tạo nên bức tranh Tây Tiến trong đêm sương càng trở nên huyền ảo, thi vị những không vì thế mà thoát li khỏi hiện thực. Ngược lại những bông hoa ấy còn góp phần củng cố thêm tinh thần, tâm hồn những người lính ngày đêm bảo vệ non sông, đất nước!

Hình ảnh “Hoa” không chỉ xuất hiện trong chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến mà còn xuất hiện ở những buổi liên hoan văn nghệ đầy ấm áp. 

Ký ức đưa nhà thơ trở về với những kỷ niệm vui vầy, ấm áp tình quân dân. Cảnh vật và con người Tây Bắc mà cụ thể là về một đêm liên hoan tưng bừng, hào khí của người lính Tây Tiến và người dân Tây Bắc. Đó là một đêm lung linh đầy ánh sáng với lửa đuốc bập bùng, âm thanh rộn rã cùng với tình cảm say đắm, ngây ngất của người lính Tây Tiến:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa 

Kìa em xiêm áo tự bao giờ       

Khèn lên man điệu nàng e ấp 

Nhạc về Viên chăn xây hồn thơ.”

Động từ “bừng” gợi lên hình ảnh ngọn lửa bập bùng cháy sáng cùng không khí tưng bừng rộn rã hay đó là ngọn lửa của kỉ niệm ngày nào bỗng ùa dậy, sáng “bừng lên” trong ký ức nhà thơ. Không chỉ có hình ảnh đuốc sáng bập bùng mà cùng lúc còn xuất hiện âm thanh của tiếng khèn réo rắt, tiếng nhạc du dương khi “khèn lên”. “Nhạc về” trỗi lên và bóng dáng của con người Tây Bắc uyển chuyển, gợi lên không khí vui tươi, sống động.

hình minh họa

 Ở nơi núi rừng Tây Bắc bừng lên một “hội đuốc hoa” vừa mang ý nghĩa thực là thắp đuốc liên hoan, là hình ảnh doanh trại tưng bừng và ánh sáng của bó đuốc cũng chính là ánh sáng của niềm tin, là sự lạc quan của người lính Tây Tiến trong những ngày hành quân khắc nghiệt.Cuộc hành quân đã làm những người lính mất mát đi rất nhiều thứ quý giá, từ tuổi trẻ, sức lực cho đến tính mạng nhưng có những thứ không bao giờ được đánh mất bởi nó chính là động lực giúp con người ta tiến lên, trưởng thành sau ngàn khó khăn, tổn thất: những giá trị tinh thần. Những người lính Tây Tiến cần được tiếp thêm sức mạnh của niềm tin, của tình thương và sự lạc quan để có thể vững tin chiến đấu. Ánh sáng mà “Đuốc hoa” mang lại không chỉ là sự tưng bừng, không chỉ là ánh sáng vật lí mà hơn thế nữa, nó là toàn bộ những sức mạnh, tình cảm mà đồng bào gửi gắm đến những người lính câu thơ cuối kết thúc bằng một hình ảnh rất đẹp: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” làm lời thơ mênh mang, ngân nha. Ta bắt gặp hai vẻ đẹp ý nhị, bất ngờ: dịu dàng thanh thoát của thiếu nữ vùng cao và vẻ lưu luyến với người, với nhạc, với thơ của người lính. Bằng cái tôi lãng mạn của Quang Dũng, buổi liên hoan vui như một ngày “lễ hợp quần” ngay giữa hiện thực kháng chiến thiếu thốn, ác liệt. Các anh như say tiếng nhạc, trong tình nghĩa quân dân thấm vào tâm hồn và “say hồn thơ”. Đoạn thơ chan hòa chất thơ, chất nhạc, chất họa gợi cho người lính về lý tưởng chiến đấu và chiến thắng với hình ảnh đầy lãng mạn “Đuốc hoa”.

Leonardo da Vinci đã từng viết: “Sự khác biệt giữa tranh và thơ: tranh là thơ của người mù, thơ là tranh của người mù” hay “Thơ là một bức hoạ để cảm nhận thay vì ngắm”. Quả thật vậy, ở Quang Dũng độc giả cảm nhận được một hồn thơ vừa tinh tế, vừa mang vẻ đẹp hào hoa lãng mạn của những chàng trai Hà Thành. Khi viết về Quang Dũng và tác phẩm “Tây Tiến”, nhà thơ Vân Long nhận xét: “Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ “Tây Tiến” hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu tri thức do biết mình được đón nhận một chân lí lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn.” Chính những nét độc đáo, tài hoa lãng mạn trong phong cách đã khiến cho Quang Dũng và những đứa con tinh thần của ông “nằm ngoài những định luật của băng hoại”. “Tây Tiến” là một bức hoạ sống động cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ hoang sơ. Ở nơi đó, một tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến được dựng lên một cách hào hùng, bi tráng lại không kém phần lãng mạn. 

Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn. Nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi luỵ não nùng” (Vũ Thu Hương). Quả thật vậy, với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Qua những lần miêu tả hình ảnh “Hoa”, ta thấy được rõ nét phong cách tài hoa- lãng mạn ở thi sĩ. Cảm hứng lãng mạn trong văn học là cảm hứng khẳng định cái tôi tràn đầy cảm xúc, hướng về lí tưởng. Nó đi tìm cái đẹp trong những cái khác lạ, phi thường độc đáo, vượt lên những cái tầm thường, quen thuộc của đời sống hàng ngày, nó đề cao nguyên tắc chủ quan, phát huy cao độ sức mạnh của trí tưởng tượng liên tưởng. Cảm hứng lãng mạn cũng thường tìm đến cách diễn đạt khoa trương, phóng đại, đối lập, ngôn ngữ giàu tính biểu cảm và tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới, vẻ đẹp con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Cảm hứng lãng mạn đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác, nó nâng đỡ con người có thể vượt lên mọi thử thách trong máu lửa của chiến tranh gian khổ để hướng đến ngày chiến thắng.Tây Tiến gợi lên một cuộc hành quân về phía Tây Tổ quốc, một cuộc hành quân đầy gian lao vất vả giữa vùng rừng núi đầy hiểm trở, hung vĩ đầy vẻ hoang dại và huyền bí.Vốn sẵn tố chất hào hoa của người trai đất Hà thành , chất hào hoa lại được gặp thiên nhiên và con người miền Tây với vẻ đẹp huyền hoặc, Quang Dũng lại từng sống và chứng kiến những tháng ngày hào hung giữa binh đoàn Tây Tiến, hồn thơ ấy đã hòa quyện lại tất cả để tạo nên những thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn.Cảm hứng lãng mạn của bài thơ trước hết là nỗi nhớ ngập tràn: tác giả nhớ rừng núi hoang vu, hiểm trở, dữ dội, nhớ những cảnh đẹp huyền ảo nên thơ, đặc biệt là nhớ bước quân hành của đoàn quân Tây Tiến, nhớ gương mặt, ánh mắt, nhớ cả những hi sinh gian khổ, những giây phút đồng đội nằm xuống nơi biên cương. Tất cả cứ theo dòng hồi ức mà hiện lên cùng với trí tưởng tượng phóng khoáng, bay bổng.Để giúp cho trí tướng tượng bay cao, bay xa và tình cảm, cảm xúc được diễn tả một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất, nhà thơ đã vận dựng thủ pháp nghệ thuật tô đậm cái phi thường, gây ấn tượng mạnh về cái hùng vĩ, dữ dội cũng như cái tuyệt mĩ, thơ mộng. Một trong những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng đắc địa nhất là thủ pháp đối lập. Đối lập giữa cái hùng vĩ, dữ dội với cái tuyệt mĩ, thơ mộng, đối lập giữa gian khổ, vất vả với anh hùng, bất khuất, đối lập giữa cái bi và cái hùng...Chính phong cách lãng mạn tài hoa đã khiến thơ Quang Dũng, đặt biệt là “Tây Tiến” in đậm dấu ấn trong trái tim hàng triệu độc giả cũng như có sức ảnh hưởng lớn đối với nền văn học nước nhà. 

“Tây Tiến là nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi chúng” (Đinh Minh Hằng). Bằng bút pháp lãng mạn kết hợp với sự độc đáo về hình ảnh, ngôn ngữ và giọng thơ vừa hào hùng vừa bay bổng, Quang Dũng đã khắc hoạ được hình tượng người lính anh dũng chiến đấu hết mình vì tổ quốc thiêng liêng mà vẫn giữ được những phút giây thơ mộng trong tâm hồn. Những vần thơ ấy cứ nhẹ nhàng đi vào lòng độc giả bao năm tháng qua!

Nhận xét

Đăng nhận xét