Màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngát (Màu thời gian, Đoàn Phú Tứ)
Màu thời gian, Đoàn Phú Tứ (1940)
hình minh họa
Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã chấp bút đôi lời về Đoàn Phú Tứ : “Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài thơ mà hầu hết là những bài thơ có đặc sắc. Ấy là một lối thơ rất tinh tế và rất kín đáo. Thi nhân ghi lại bằng những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng.” Đọc những dòng Hoài Thanh viết, có lẽ chúng ta ngờ ngợ hiểu mặt con chữ nhưng vẫn chưa hình dung được rốt cuộc “những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng” ấy là như thế nào, chưa nhận ra được làm sao lại là “Một lối thơ rất tinh tế và rất kín đáo.” Liệu có tinh tế như như những vần thơ của Xuân Diệu, hay kín đáo như Nguyễn Bính chăng? Không, tất cả đều không phải. Đọc được bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ, ta mới cảm nhận được hết cái âm điệu du dương, man mác mà thi nhân mang lại.
Toàn bài thơ bao trùm một sự bí ẩn, mơ hồ, kín đáo và có lẽ đây là ý định của nhà thơ. thứ nhất nhà thơ dường như vừa muốn tiết lộ nhưng nửa lại không cho nên ông mới thể hiện bằng những câu thơ hết sức khó hiểu, ẩn ý và thứ hai là có lẽ bản chất của câu chuyện tình yêu của thi nhân cũng mơ hồ, nhiều cung bậc cảm xúc như vậy.
“Màu thời gian”, cái nhan đề khiến ta suy ngẫm, bắt đầu hình dung nội dung của toàn bài thơ sẽ bất ngờ đề cập đến điều gì. Một câu chuyện hoài niệm liên quan đến thời gian chăng? Hay đơn giản mô tả một gam màu mới mang tên “Màu thời gian”? cái nhan đề ấy khiến ta cứ mơ hồ, mê man mà đọc tiếp.
“Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Ta hình dung cảnh tượng một con sóng ngầm bỗng dưng bùng lên, trào dâng lên, bắt đầu hé lộ một chút.
Hai câu thơ đầu tiên mở ra cho bạn đọc một không gian nhẹ nhàng, tươi mát ngập tràn sắc xanh. Tiếng chim đã “Thanh” trong làn gió ngát “Xanh”. Chữ “Thanh” mang đến cho ta những tín hiệu thẩm mĩ mới lạ. ta nào có lạ gì đâu với các kết hợp từ để mô tả âm thanh chim hót như tiếng chim véo von, tiếng chim líu lo, ríu rít. Thế nhưng lần đầu tiên ta mới được tiếp cận với tiếng chim “Thanh” trong gió xanh.”Thanh” cũng có nghĩa là xanh Liệu chữ “Thanh” ấy là “Thanh” mang ý nghĩa tươi mát như “Thanh phong minh nguyệt” hay trong suốt “Thanh triệt”, hay đạp thanh tức đi tảo mộ trong tiết thanh minh. Dù ghép từ “Thanh” với ý nghĩa nào, ta cũng hình dung được một ý nghĩa cụ thể nhưng nói đến “Tiếng chim thanh”... ta lại thấy hết sức lạ lùng chữ tiếng chim thanh đứng một mình thì ta không hiểu gì những đi kèm với trong gió xanh lại trở thành một bức tranh hết sức sinh động . Ta bắt đầu chú tâm, suy tư về “Tiếng chim thanh” là âm thanh như thế nào? Chữ “Thanh” ở đây lại rất hợp ngữ nghĩa với câu thơ “Trong gió xanh”là một âm thanh của xuân xanh, của sự sống mơn mởn đầy thi vị. hay tiếng chim trong trẻo hòa lẫn vào làn gió xanh, cỏ xanh? “Tiếng chim thanh” và “Trong gió xanh”, hai hình ảnh kết hợp lại với nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh với không khí, đường nét êm ái, dễ chịu đến bất ngờ. quả là cảm xúc chỉ có những biểu tượng, ngôn từ đẹp đẽ mà thi nhân đã dày công sáng tạo. “Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương “(Pautopsky).
Cấu trúc bài thơ đi song song giữa ý niệm về thiên nhiên với quan hệ tình yêu, giữa tích xưa với chuyện nay, giữa quá khứ và hiện tại trong tương quan Thứ ba: Những từ chỉ thời gian (ngoài “sớm nay”) chủ yếu là chỉ thời gian quá khứ (quá khứ xa): ngàn xưa, trăm năm, một thuở. Nhưng thời gian quá khứ ấy lại gợi nhắc, liên đới tới thời gian hiện tại nhờ sự kết hợp (phủ định ý nghĩa) trong nội bộ câu thơ: không lạnh nữa, đứt đoạn, còn hương. Các tính từ chỉ màu sắc, âm thanh đều gợi đến cái gì đó tươi sáng, nhẹ nhàng, bàng bạc giống như các từ cùng trường nghĩa: thanh, xanh, ấm, (không) lạnh, tím ngát, (không) nồng, thanh thanh.
Hai câu thơ đầu tạo cho ta cảm giác dễ chịu, mới mẻ thì chuyển sang câu thơ”Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình”, lại thấy câu thơ được phủ một màu sắc hết sức cổ điển. cái màu sắc cổ điển ấy còn kéo dài cho đến những câu thơ sau. “Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình.” Câu thơ mang âm điệu thật vương vấn, xao xuyến. thi nhân đã chuyển đổi cảm giác của chúng ta khi lấy một chữ “Hương” vốn dĩ cảm nhận bằng khứu giác nhưng lại “ấm”, vốn dĩ phải cảm nhận bằng xúc giác.
Có lẽ trong giây phút thật là cảm giác ấy, nhà thơ đã thoảng thấy vương vấn một mùi hương ấm áp: hương xuân tình. Ngôn ngữ thơ thật lạ nhưng nhờ sự kì lạ ấy mà toát nên sự thanh tao, nhã nhặn, tạo nên sức gợi mạnh mẽ bởi ngôn từ lôi cuốn, đa nghĩa.
“ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian.”
Có lẽ sự tích người xưa chính là thi hứng, hay chính nhà thơ mang câu chuyện từ ngàn xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện của chính mình? “xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua Hán võ đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần phi thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng.” Dựa vào dòng chú thích trên, ta hiểu được mang máng, ta cảm giác như một cuộc tình đã trải qua từ rất lâu, lâu đến mức “trời mây phảng phất nhuốm thời gian” nay lại được nhắc nhớ đến, trong lòng bỗng thấy nôn nao. Vừa nghe như lời tự tình, cũng vừa cảm giác như được an ủi. nhịp điệu của câu thơ cứ chậm rãi với các thanh bằng trắc xen kẽ, trong đó hai chữ “Tần Phi” kết hợp tiếng bổng và tiếng trầm nghe vừa điềm đạm, du dương lại vô cùng khắc khoải, hoài niệm.cách lắng đọng câu thơ, để riêng sang bắt viết ngắt chữ tần phi sau dấu phẩy cũng giống như sự lắng đọng trong cảm xúc thi nhân. thi nhân dùng chữ “Dâng”, “Nhuốm” mang sắc thái nhẹ nhàng, hồi tưởng và tạo độ vang ( khác với chữ “Nhuộm” nghe rất sắc thái trúc trắc, nặng nề) Đến đây ta thấy thủ pháp lạ hóa rất rõ ràng khi nhà thơ không kể câu chuyện một cách bình thường mà lồng ghép câu chuyện người xưa để tâm tình chuyện của mình. về cảm xúc thì em thấy 3 câu thơ này trộn lẫn nhiều cảm xúc
“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh.”
Nhịp thơ của các câu thơ đi song song với nhau kết hợp với các vế tiểu đối “Xanh- tím”, “Nồng-thanh thanh”. Đoàn Phú Tứ lại một lần nữa lạ hóa góc nhìn, dựa vào trực giác mà cảm nhận được màu sắc, mùi hương rồi điểm mặt đặt tên cho chúng.
Ta thấy được khoảng thời gian không bằng phẳng mà hơi loang màu “Không xanh- tím ngắt”. thi nhân đang hoài niệm, nhớ về khoảng thời gian xưa khi mới yêu, vì thế mà thời gian mới trở nên tím ngắt. thời gian lúc này như một vật thể sinh động nhìn được, sờ nắn được có mùi hương, màu sắc, mang cả ý niệm riêng cho chuyện tình nhà thơ. Ngay cả thời gian cũng được hữu hình hóa! Thế mới thấy được sự nhiệm mầu của ngôn từ, các ý niệm về thời gian tạo chiều sâu cho nội dung mà thi nhân muốn truyền tải, làm cho bài thơ ngày càng trọn vẹn, đặc sắc.
“Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng”
Để ý thấy mỗi lần có hình bóng người yêu thì âm điệu thơ lại chuyển sang vẻ đẹp thâm trầm, cổ xưa. Bài thơ lúc này lại đổi sang một âm điệu mới, nghe rất xưa cũ. “Tóc mây một món dao vàng chia hai”, Đoàn Phú Tứ gợi nhắc đến một điển tích dương quý phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Thi sĩ làm mờ hóa gương mặt người cung phi hay chính người cung phi ấy thà phụ lòng mong mỏi của đấng quân vương, còn hơn gặp người trong lúc dung nhan tiều tụy. dù xa cách nghìn trùng nhưng lòng vẫn hướng về nhau, dẫu sao ý tứ này vẫn rất kín đáo. Tính chỉnh thể nằm ở chi tiết: “tóc mây”, “một món chiếc dao vàng” gợi lên hình ảnh hai con người nam thanh nữ tú trao cho nhau những lời thề, ước nguyện mặc dù trong câu thơ không đề cập tới. Tại sao lại liên tưởng đến lời thề nguyền? ( trong trích đoạn “Thề nguyền” của Nguyễn Du có câu “ Tóc mây một món dao vàng chia hai”, Thúy Kiều đã trao cho Kim Trọng tóc mây để biểu hiện sự hẹn ước của mình) ngôn ngữ hợp nhất trong đoạn thơ trên cũng gợi nên tình cảm, khát khao tâm tình, nỗi nhớ nhung của thi nhân.
“Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát.”
Hai câu đầu đối nhau rất đặc sắc ở hai vế “Duyên trăm năm”, “Tình một thuở”. Bánh xe định mệnh là mãi mãi, từ kiếp trước đến kiếp này vẫn còn gặp nhau nhưng tình thì lại chỉ thoáng qua một chốc. duyên trăm năm dứt đoạn, lìa xa những tình vẫn còn lưu luyến. thật éo le nhưng cũng thật thi vị, cảm động. kết thúc đoạn hoài niệm bằng gam màu thời gian tím ngát, một mối tình dìu dịu, trong veo chứ không phải là gam màu tím ngắt đau đớn. ý thơ trong bài thơ Màu thời gian cứ mờ ảo như đứng trong làn sương sớm, càng đến gần thì lại càng thoắt ẩn thoắt hiện. Có lẽ cũng hợp tình bởi chỉ trong quá khứ, chuyện tình của hai người mới rực rỡ, đẹp đẽ nhất, đẹp đẽ như những câu thơ “Tóc mây một món chiếc dao vàng/ nghìn trùng e lệ phụng quân vương” vậy.
Tiếp nhận bài thơ như một chỉnh thể, bạn đọc có thể mơ hồ hình dung ý niệm, cảm xúc mà thi nhân bày tỏ: muốn nói đến những chuyện tình yêu và nỗi nhớ, nỗi hoài niệm bằng một cách khó hiểu.
Đọc “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ, ta mới cảm thấy đây là một bài thơ vô cùng đẹp, đẹp từ thi hứng cho đến thi pháp, ý niệm bài thơ. Các thủ pháp lạ hóa ngôn từ được sử dụng đan cài với nhịp điệu thơ vô cùng uyển chuyển khi chúng ta phải dừng lại đôi chút để suy tư, trăn trở, để nhìn vào cái hồn thơ mà Đoàn Phú Tứ thổi vào. các chi tiết trong đoạn thơ đã góp phần tạo nên một đoạn tình cảm da diết, hư ảo. Đến bây giờ, màu thời gian vẫn còn vương vấn trong lòng bạn đọc. đó là một cung bậc, màu sắc gì đó mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, tâm tư!
Nhận xét
Đăng nhận xét